Xây dựng phương pháp định lượng ginsenosid Rb3 trong lá tam thất (Panax notoginseng) trồng tại Việt Nam

  • Bùi Lan Phương
  • Trần Kiều Duyên
  • Đoàn Thị Ngọc Diệp
  • Nguyễn Thị Kiều Anh

Tóm tắt

Bên cạnh việc sử dụng rễ củ thì lá tam thất (Panax notoginseng) cũng được sử dụng dưới dạng trà, cao pha uống, viên hoàn. Lá tam thất chứa nhiều saponin và có tác dụng dược lý tương tự rễ củ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra saponin trong lá tam thất có tác dụng dược lý bảo vệ thần kinh, an thần, chống trầm cảm, bảo vệ chống tổn thương gan do rượu...Trong tam thất, ginsenosid Rb3 là một saponin có hàm lượng cao và có tác dụng dược lý tốt, được lựa chọn là chất chỉ điểm trong tiêu chuẩn hóa chất lượng tam thất.Tuy nhiên, trong các dược điển hiện hành chưa có phương pháp cụ thể để kiểm soát hàm lượng saponin trong lá tam thất. Tại Việt Nam, tam thất đã được trồng thành công và cho năng suất lớn ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cai). Nhằm mục đích kiểm soát chất lượng của lá tam thất được trồng tại Việt Nam để sử dụng trong chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu xây dựng và thẩm định phương pháp HPLC với độ đặc hiệu, độ đúng và độ chính xác cao để định lượng ginsenosid Rb3 trong lá tam thất (Panax notoginseng) trồng tại Việt Nam.

Nguyên liệu

Lá đã sấy khô của cây tam thất (Panax notoginseng (Burk.) F. H. Chen) được thu hái ở Đồng Văn (Hà Giang) và Si Ma Cai (Lào Cai) vào tháng 4/2017.

Phương pháp nghiên cứu

- Chuẩn bị mẫu: Dung dịch thử và chuẩn.

- Điều kiện sắc ký: Theo Dược điển Trung Quốc 2015.

- Thẩm định phương pháp: Theo hướng dẫn của ICH.

- Ứng dụng phân tích mẫu thực: Định lượng ginsenosid Rb3 trong các mẫu lá tam thất thu hái tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang.

- Xử lý số liệu: Bằng phần mềm Microsoft Excel 2007.

Kết quả

Nghiên cứu đã xây dựng được phương pháp định lượng ginsenosid Rb3 trong lá tam thất (Panax notoginseng) trồng tại Việt Nam bằng HPLC. Phương pháp đã được thẩm định theo hướng dẫn của ICH cho kết quả đạt theo qui định. Với khoảng tuyến tính rộng (từ 10 - 500 µg/ml), độ đúng cao (99,58%), độ chính xác đảm bảo với giá trị RSD% nhỏ (1,27%), giới hạn định lượng (LOQ) thấp (0,257 µg/ml), đồng thời phương pháp đã được ứng dụng định lượng ginsenosid Rb3 trong 5 mẫu lá tam thất thu hái tại Lào Cai và Hà Giang cho kết quả khách quan chứng tỏ tính khả thi của phương pháp. Do đó, phương pháp này có thể sử dụng để định lượng ginsenosid Rb3 có trong lá tam thất trồng tại Việt Nam. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-06-19
Chuyên mục
BÀI BÁO