Khảo sát tình hình sử dụng thuốc và nhận thức của bác sĩ trong điều trị gút tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biện

  • Nguyễn Thế Hưng
  • Phạm Văn Mẫn
  • Nguyễn Mai Hoa
  • Nguyễn Hoàng Anh

Abstract

Gút thuộc các bệnh viêm khớp có thể chữa trị nhưng đây lại là bệnh chưa được quản lý và theo dõi chặt chẽ như tăng huyết áp hay đái tháo đường tại nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên là bệnh viện hạng I, với quy mô 500 giường bệnh. Mặc dù số lượng bệnh nhân gút khám và điều trị tại bệnh viện không lớn do đặc thù của một tỉnh miền núi nhưng đây lại là nguyên nhân gây tàn tật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, việc tăng cường quản lý điều trị bệnh gút ở cả bệnh nhân nội và ngoại trú đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, kiến thức của các bác sĩ trong điều trị gút cũng là một vấn đề cần quan tâm trong điều kiện các bác sĩ tại bệnh viện ít có cơ hội tham gia tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như cập nhật các kiến thức mới về bệnh gút. Xuất phát từ những lý do trên, đề tài này tiến hành với các mục tiêu khảo sát thực trạng sử dụng thuốc và nhận thức của bác sĩ trong điều trị gút tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Điện Biên, từ đó, đề xuất các ý kiến góp phần nâng cao tính hợp lý, an toàn trong sử dụng thuốc điều trị gút tại bệnh viện.

Đối tượng

- Tất cả bệnh án của bệnh nhân nội trú (từ 01/06/2015 - 30/06/2016) và đơn thuốc của bệnh nhân ngoại trú (thời gian khám từ 01/3/2016 - 30/8/2016) có sử dụng alopurinol hoặc colchicin (lần đầu sử dụng các thuốc này với bệnh nhân ngoại trú) hoặc có mã bệnh là M10 theo ICD-10 được đưa vào nghiên cứu. Đơn thuốc của các bệnh nhân ngoại trú tiếp tục được theo dõi liên tục trong vòng 3 tháng sau đó. Bệnh án và đơn thuốc của bệnh nhân sử dụng alopurinol với chỉ định dự phòng tăng acid uric do phân giải khối u hoặc điều trị sỏi thận calci oxalat bị loại trừ khỏi nghiên cứu. Đồng thời, loại trừ các bệnh nhân ngoại trú không tái khám hoặc tái khám không đúng hẹn 3 tháng liên tục. Mẫu nghiên cứu gồm 73 bệnh nhân  nội trú và 72 bệnh nhân ngoại trú.

- Tất cả các bác sĩ công tác tại BVĐK tỉnh Điện Biên đang tham gia điều trị cho bệnh nhân gút, không đi học hoặc đi công tác, đang trong chế độ nghỉ phép được đưa vào khảo sát.

Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu hồi cứu, cắt ngang, mô tả, không can thiệp dựa trên bệnh án nội trú và nghiên cứu hồi cứu, theo dõi dọc dựa trên đơn thuốc ngoại trú của bệnh nhân.

- Xử lý số liệu: Số liệu được xử lý bằng Microsoft Excel 2016 và SPSS 22.0.

Kết luận

Tất cả bệnh nhân được kê đơn alopurinol trong mẫu nghiên cứu đều sử dụng ở mức liều 300 mg, bao gồm cả bệnh nhân suy thận và bệnh nhân ngoại trú điều trị gút mạn tính được kê đơn thuốc này lần đầu. 73,6% bệnh nhân ngoại trú đạt được acid uric mục tiêu sau 3 tháng theo dõi. 25% bác sĩ tham gia khảo sát chưa đánh giá đúng ngưỡng acid uric mục tiêu cho bệnh nhân hoặc lựa chọn điều trị bằng allopurinol chưa phù hợp. Kết quả này cho thấy tầm quan trọng của việc thường xuyên cập nhật các hướng dẫn điều trị mới, tổ chức tập huấn và đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh gút cho bác sĩ, đồng thời, đây cũng là cơ sở để bệnh viện xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc phù hợp trong tương lai.

điểm /   đánh giá
Published
2018-04-19
Section
ARTILES