Nghiên cứu tối ưu hóa khả năng sinh tổng hợp lipase từ nấm Geotrichum candidum Geo26.3 sử dụng phương pháp đáp ứng bề mặt – phương án cấu trúc có tâm

  • Nguyễn Thị Thập
  • Đỗ Thị Tuyên
  • Đào Thị Mai Anh

Abstract

Lipase (EC 3.1.1.3), nhóm enzym thủy phân các triglycerid, hiện đang được các nhà Dược học quan tâm do có nhiều ứng dụng trong công nghiệp dược phẩm. Từ lâu, vi sinh vật đã được biết đến là nguồn sản xuất lipase phong phú và đem lại lợi ích kinh tế lớn. Trong đó, nấm Geotrichum candidum (G. candidum) là một nhân tố vô cùng tiềm năng không những bởi khả năng sản xuất enzym với hiệu suất cao mà còn vì những đặc tính vượt trội của enzym do chúng sản xuất ra như tính xúc tác đặc hiệu loại acid béo, đặc hiệu vị trí liên kết, đặc hiệu lập thể và tính an toàn. Ở Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học đã phân lập thành công chủng G. candidum Geo26.3 từ mẫu nước biển. Các nghiên cứu sàng lọc ban đầu cho thấy chủng nấm này có khả năng sản xuất lipase với hoạt tính cao, hứa hẹn sẽ là một nguồn sản xuất lipase hiệu quả. Nhằm mục đích gia tăng hiệu suất sản xuất lipase từ chủng G. candidum Geo26.3, tiến hành nghiên cứu tối ưu hóa các điều kiện lên men chủng vi sinh vật này bằng phương pháp đáp ứng bề mặt, phương án cấu trúc có tâm (RSM - CCD).

Nguyên liệu

Chủng nấm G. candidum Geo26.3 được cung cấp bởi Phòng Công nghệ sinh học Enzym - Viện Công nghệ sinh học. Cao nấm men, pepton,  glucose(Bio Basic Canada Inc). Bột đậu tương, bột mỳ, dầu đậu nành (Việt Nam).

Phương pháp nghiên cứu

- Bố trí thí nghiệm.

- Phương pháp lên men.

- Phương pháp xác định hoạt tính lipase: Phương pháp chuẩn độ pH tự động.

- Phương pháp tối ưu hóa khả năng sinh tổng hợp lipase bằng RSM - CCD.

- Xử lý số liệu: Bằng phần mềm Design Expert 10.0.0 và Excel 2016.

Kết quả

Bằng phương pháp đáp ứng bề mặt phương án cấu trúc có tâm (RSM - CCD) đã xác định được điều kiện lên men tối ưu sinh tổng hợp lipase từ chủng G. candidum Geo26.3 với các nguyên liệu từ Việt Nam cụ thể như sau: lên men 72 giờ trong môi trường chứa 0,5% (w/v) cao nấm men; 0,5% (v/v) dầu đậu nành; 0,31% (w/v) amoni nitrat và 1% (w/v) bột đậu tương. Trong điều kiện này thu được lượng enzym có hoạt tính lipase là 56,456 IU/ml. Kết quả nghiên cứu mở ra triển vọng sản xuất lipase với khối lượng lớn để phục vụ cho ngành công nghiệp Dược phẩm trong nước.

điểm /   đánh giá
Published
2018-04-10
Section
ARTILES