Mấy suy nghĩ về 70 năm Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

  • Sĩ Quý Hồ
Từ khóa: Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tóm tắt

Khoa học xã hội Việt Nam ra đời muộn, nhưng được thừa kế những di sản khoa học cùng với những phương pháp nghiên cứu hiện đại của các Trung tâm khoa học phương Tây có mặt tại Việt Nam từ trước đó, và đặc biệt, được thừa kế trí tuệ của cha ông trong lịch sử nghìn năm văn hiến - dựng nước và giữ nước Việt Nam. Với lịch sử 70 năm của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giới khoa học xã hội Việt Nam đã có những đóng góp nhất định, góp phần làm nên những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước, trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển văn hóa và xây dựng con người…

Thành tựu cần phải nói tới của lịch sử 70 năm Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam là đã đào tạo được nhiều thế hệ nhà nghiên cứu và giảng dạy KHXH trên khắp mọi miền đất nước. Hầu hết các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm đều có mặt trên các giảng đường đại học và sau đại học. Phần lớn những người hoạt động khoa học xã hội ở Việt Nam ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ Viện Hàn lâm, ít nhất là về hướng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu hoặc phong cách nghiên cứu… Thông qua Viện Hàn lâm, nhiều ảnh hưởng khác của các trung tâm khoa học danh tiếng thế giới, được cân nhắc tiếp thu. Nhiều công trình đáng đọc về KHXH gần 70 năm qua là của các tác giả thuộc Viện Hàn lâm, đặc biệt là các sách công cụ và các công trình khai thác trí tuệ cha ông. Nhiều ngành khoa học xã hội lần đầu xuất hiện ở Việt Nam được khởi xướng từ Viện Hàn lâm. Mặt bằng dân trí về khoa học xã hội ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, do vậy, cũng có phần đáng kể được hình thành từ tri thức khoa học của Viện Hàn lâm. Rất nhiều nhà khoa học danh tiếng của đất nước là người của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định và mặc dù tiềm năng tư duy và vốn văn hóa của giới khoa học xã hội cũng còn khá nhiều thế mạnh chưa được khai thác hết, nhưng trên thực tế, khoa học xã hội Việt Nam đã đủ trình độ để thực hiện trách nhiệm của mình, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, phát triển học thuật và nâng cao dân trí, thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển đã hoạch định đến năm 2030, 2045 và xa hơn.

Tác giả

Sĩ Quý Hồ

GS.TS., Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam;
Email: hosiquy.thongtin@gmail.com

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2024-08-29
Chuyên mục
DIỄN ĐÀN KHXH&NV