KHẢO SÁT KHẢ NĂNG KHÁNG ĐỘC TÍNH ASEN CỦA DỊCH ÉP TỎI LÝ SƠN THÔNG QUA SỐ LƯỢNG TẾ BÀO MÁU, HÌNH DẠNG HỒNG CẦU VÀ CẤU TRÚC MÔ LÁCH CHUỘT NHẮT TRẮNG ĐỰC

  • Nguyễn Thị Thương Huyền
  • Nguyễn Thị Kiều Linh
  • Trương Văn Trí
Từ khóa: độc tính của asen; cấu trúc mô học; số lượng tế bào máu chuột; tỏi Lý Sơn

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm đánh giá vai trò bảo vệ của dịch ép tỏi Lý Sơn với liều độc Asen 450 μg/L thông qua số lượng tế bào máu, hình dạng hồng cầu và sự tổn thương mô học của lách chuột. 48 chuột đực 6 tuần tuổi chia làm 4 nghiệm thức: NT1-ĐC; NT2-As; NT3-T250 (As và dịch ép tỏi 250 mg/kg/ngày); NT4-T500 (As và dịch ép tỏi 500 mg/kg/ngày). Chuột được uống As và dịch ép tỏi trong 60 ngày. Số lượng tế bào máu và hình dạng hồng cầu được xác định vào ngày 0, 30 và 60; sau 60 ngày, đánh giá mức độ tổn thương mô học của lách thông qua nhuộm H&E. Kết quả cho thấy dịch ép tỏi có tiềm năng trong việc giữ ổn định tế bào máu và hình dạng hồng cầu trong quá trình phơi nhiễm As: ngày thứ 30, số lượng hồng cầu giảm ở cả hai nghiệm thức (T250 và T500) trong khi số lượng bạch cầu và tiểu cầu ổn định ở nghiệm thức T250; ngày thứ 60, số lượng hồng cầu được khôi phục trở về mức bình thường ở cả hai nghiệm thức T250 và T500, trong khi số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm ở cả hai nghiệm thức (T250 và T500). Phân tích mô học cho thấy: As làm cho cấu trúc của lách bị tổn thương nặng; dịch ép tỏi Lý Sơn có tiềm năng trong việc bảo vệ lách khi bị phơi nhiễm As.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-02-09