Từ lý thuyết tiến hóa đơn tuyến đến thực tiễn giáng cấp các tôn giáo “phi tổ chức” ở Việt Nam
Tóm tắt
Từ cuối thế kỷ XIX, khái niệm “tôn giáo” ở các nước
Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam đã mang ý
nghĩa gắn liền với các tôn giáo theo hình mẫu châu Âu. Tất cả
các tôn giáo khác chưa đạt tiêu chuẩn “tính tổ chức” sẽ được
gọi là “tín ngưỡng”, “tín ngưỡng dân gian”, “tôn giáo dân
gian”. Đó là hệ quả của sự va chạm Đông-Tây, khi hai hệ thống
tôn giáo với các phương thức hoạt động khác nhau gặp gỡ nhau.
Sự phân biệt này đã hạ thấp tầm vóc các tôn giáo bản địa của
các nước Đông Á. Vì vậy, xem xét vấn đề từ các lý thuyết tiến
hóa, tác giả đề nghị các nước Đông Á trong đó có Việt Nam
chấm dứt huyền thoại về con đường tiến hóa độc đạo của các
tôn giáo, với đích đến là hình mẫu tôn giáo châu Âu. Các tôn
giáo phương Đông và phương Tây có thể khác nhau về tính tổ
chức, giáo phẩm, giáo lý, giáo luật, nhưng đều có vai trò nhất
định đối với con người, xã hội và dân tộc, do đó cần được nhìn
nhận và đối xử bình đẳng.