TÔN GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG TỪ GÓC NHÌN NHÂN HỌC TÔN GIÁO
Tóm tắt
Tôn giáo và tín ngưỡng (TGTN) là khái niệm mà hầu hết chúng ta đều biết tới nhưng rất khó để đưa ra được một định nghĩa toàn diện và mang tính phổ quát. Đây là một phạm trù vô cùng thú vị nhưng cũng hết sức phức tạp do các đặc tính trừu tượng của đối tượng này. TGTN là những sản phẩm tinh thần đã được con người tạo ra từ buổi bình minh của lịch sử, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người và là một phần quan trọng trong nền văn minh nhân loại. Nền khoa học hàn lâm hiện đại có vô số hướng tiếp cận đối với TGTN. Bên cạnh những hướng tiếp cận truyền thống, như: Sử học, Thần học, Mỹ học, Triết học, v.v… còn có thêm nhiều phân ngành khác, như: Văn hóa học, Tôn giáo học, Chính trị học, Xã hội học tôn giáo, Tâm lý học tôn giáo, v.v… Đặc biệt, sự góp mặt của Nhân học tôn giáo với phổ nhìn bao quát từ “văn hóa nguyên thủy” (thuật ngữ của Tylor) đến các hiện tượng TGTN trong đời sống đương đại đã có thể giúp cho việc xem xét các vấn đề liên quan đến TGTN mà không bị ràng buộc bởi các rào cản lý luận. Bài viết này đề cập đến vị trí của Nhân học tôn giáo trong khoa học xã hội và nhân văn hiện nay.