Một số thay đổi về thờ cúng ở đình làng tại Tp. Hồ Chí Minh hiện nay (Nghiên cứu trường hợp đình Nam Chơn , quận 1)

  • Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo
  • Lê Thị Hồng Nhung

Tóm tắt

Trong thiết chế văn hóa xã hội truyền thống Việt Nam, đình là một trong những cơ sở tín ngưỡng đóng vai trò hàng đầu. Đình làng được xem như linh hồn của làng quê Việt Nam. Tùy theo tính chất mùa vụ mà các hoạt động tín ngưỡng tại đình cũng như các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng gần như diễn ra quanh năm. Những nghi lễ trong lễ hội diễn ra ở đình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân trong vùng. Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, những lưu dân Việt đến Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) đã từng bước khai hoang, lập làng và mang theo những phong tục tập quán từ nơi quê cha đất tổ đến vùng đất mới. Trải qua năm tháng, các ngôi đình tại Tp. HCM đã có nhiều thay đổi, ngay cả chức năng và đối tượng thờ tự cũng có nhiều khác biệt so với đình làng Bắc Bộ và Trung Bộ. Những nét biến đổi này đã tạo cho hội đình ở Tp. HCM vừa có nét đặc biệt, vừa có điểm dung hợp tiêu biểu cho tính cách của người dân Nam Bộ, thể hiện xu hướng hiện đại hóa trong lễ hội cổ truyền của dân tộc. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu những thay đổi trong tín ngưỡng đình làng ở Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, nghiên cứu trường hợp tại đình Nam Chơn nói riêng để thấy được những hoạt động tín ngưỡng thờ Thành hoàng trong một ngôi đình đô thị đương đại. Trục so sánh được chia thành hai giai đoạn: đình cổ truyền ở Sài Gòn - Gia Định (từ khi thành lập đến năm 1975) và đình đô thị đương đại (từ sau năm 1975 đến nay).

Từ khóa: Biến đổi, đình làng, đình Nam Chơn, Thành phố Hồ Chí Minh

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-07-02
Chuyên mục
TÔN GIÁO VÀ DÂN TỘC