Công tác thăm dò than bể Đông Bắc – Thực trạng và giải pháp
Tóm tắt
Kết quả tổng hợp, phân tích tài liệu thăm dò và khai thác, kết hợp phương pháp mô hình hóa và phương pháp toán xác suất - thống kê rút ra một số kết luận sau:
Về lý thuyết, mạng lưới thăm dò đã thực hiện trên nhiều khu mỏ đủ cơ sở tính trữ lượng và đáp ứng yêu cầu cho thiết kế khai thác. Song, thực tế nhiều khối tính trữ lượng ở cấp 111, 121, nhưng khi triển khai Dự án đầu tư khai thác vẫn phải bổ sung thăm dò khá nhiều, ở một số khu mỏ phải bổ sung công tác thăm dò 2 - 3 lần.
Nguyên nhân chủ yếu là các báo cáo thăm dò gần đây thường bỏ qua nguyên tắc rất cơ bản trong xác lập cấu trúc địa chất mỏ và đồng danh vỉa than không dựa vào không gian cấu trúc địa chất trong từng khối bậc IV, mà chỉ tập trung trong diện tích thăm dò; do đó, khi tiến hành ghép nối cấu trúc mỏ và các đường lộ vỉa than giữa các khu liền kề thường không khớp và hầu hết không liên hệ được với nhau, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến độ tin cậy của công tác thăm dò, tính trữ lượng và khai thác mỏ.
Để nâng cao hiệu quả công tác thăm dò và khai thác than bể Đông Bắc, trước tiên phải đầu tư nghiên cứu phân chia khối địa chất đồng nhất tương đối bậc cao (bậc V, VI); tiến hành đồng danh lại tập vỉa, vỉa than trong từng khối cấu trúc bậc IV. Xác lập nhóm mỏ và mạng lưới thăm dò phù hợp với tài liệu thực tế và cần phải đánh giá lại độ tin cậy công tác thăm dò và tính trữ lượng cho từng khu mỏ và toàn bể than.