Nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu công nghiệp phù hợp trong tính trữ lượng, tài nguyên than bể than Đông Bắc, Việt Nam

  • Nguyễn Phương
  • Trần Đại Dũng
  • Nguyễn Phương Đông
  • Đỗ Mạnh An
  • Khương Thế Hùng
Từ khóa: chỉ tiêu công nghiệp, trữ lượng than, bể than Đông Bắc

Tóm tắt

Than khoáng là nguồn tài nguyên không tái tạo, hiện vẫn đóng vai trò quan trọng, chưa thể thay thế trong ngành năng lượng. Vì vậy, ngoài việc mở rộng tìm kiếm, thăm dò, thách thức đặt ra là phải nâng cao hiệu quả khai thác các mỏ than hiện có. Điều này là một nhiệm vụ đầy thách thức trong đánh giá tài nguyên, đảm bảo sự bền vững trong quản lý và khai thác nguồn tài nguyên này. Các chỉ tiêu tính trữ lượng than đang áp dụng ở bể than Đông Bắc trong thời gian qua chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu sử dụng than cho các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu công nghiệp phù hợp trong tính trữ lượng/tài nguyên than là cần thiết. Nghiên cứu sử dụng phối hợp phương pháp tổng hợp, đối sánh tài liệu, kết hợp phương pháp phân tích hồi quy đa chiều và phương pháp mô hình hóa để xác lập chỉ tiêu công nghiệp tính trữ lượng, tài nguyên than. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự gia tăng trữ lượng/tài nguyên than ở bể than Đông Bắc phụ thuộc chặt chẽ vào sự thay đổi chỉ tiêu chiều dày tối thiểu (Mmin) và độ tro tối đa (AKmax). Độ tro và sự biến đổi độ tro than (σH) không chỉ ảnh hưởng đến kết quả tính trữ lượng/tài nguyên và độ tin cậy của kết quả tính, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công nghệ khai thác và sàng tuyển. Các chỉ tiêu công nghiệp sử dụng trong tính trữ lượng than nên có sự điều chỉnh, cụ thể chỉ tiêu nhiệt lượng (Qdgr) ≥ 3500 cal/g, tương ứng độ tro tối đa kể cả độ làm bẩn (AKmax) ≤ 45 - 50%, chiều dày tối thiểu kể cả lớp kẹp ≥ 0,6 - 1,0 m và cốt độ sâu tối đa đến – 700 m; với tài nguyên, độ tro tối đa kể cả độ làm bẩn (AKmax) ≤ 50 -60%, chiều dày tối thiểu kể cả lớp kẹp ≥ 0,5 - 0,6 m, cốt độ sâu tối đa đến -1000 m. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp tối ưu hóa quản lý và khai thác than bể Đông Bắc, mà còn tạo ra cơ sở lý luận và chính sách hỗ trợ sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp than trong tương lai.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2024-08-15
Chuyên mục
ĐỊA CƠ HỌC, ĐỊA TIN HỌC, ĐỊA CHẤT, TRẮC ĐỊA