Ảnh hưởng của Erythromycin trong điều trị cá rô đồng (ANABAS TESTUDINEUS) nhiễm vi khuẩn Aeromonas Dhakensis đa kháng kháng sinh

  • Nguyễn Thành Luân
Từ khóa: Aeromonas spp, bệnh thủy sản, cá rô đồng, độc lực, kháng kháng sinh

Tóm tắt

Ảnh hưởng của kháng sinh với liều lượng ước tính trong phòng và điều trị bệnh thủy sản chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của kháng sinh erythromycin trong điều trị cá rô đồng giống gây nhiễm nhân tạo với vi khuẩn kháng erythromycin (Aeromonas dhakensis
NV5M và V7L) đã được khảo sát. Ngoài ra, sự kích hoạt làm gia tăng các loài vi khuẩn Aeromonas/ Vibrio spp. kháng erythromycin trên cá rô đồng đã nhiễm vi khuẩn đa kháng cũng được khảo sát. Kết quả thí nghiệm cho thấy sau khi dừng cho ăn thức ăn bổ sung erythromycin (100mg/kg cá, 10 ngày) thì tỷ lệ cá chết tăng đáng kể; từ 6,67% lên 46,67% (ngày 11, P = 0,035) ở nhóm đối chứng không gây nhiễm; trong khi đó ở nhóm cá gây nhiễm với vi khuẩn kháng kháng sinh và có độc lực cao (A. dhakensis NV5M) tỷ lệ chết tăng đáng kể (P = 0,021) từ 40% lên 86,67% ở ngày 15 và cao hơn so với tỷ lệ chết (80%) ở nhóm gây nhiễm NV5M không cho ăn kháng sinh. Kết quả này cho thấy cá bị nhiễm
vi khuẩn đa kháng cho kết quả điều trị không hiệu quả bằng kháng sinh. Kết quả trong nghiên cứu này chứng minh rằng A. dhakensis có thể duy trì hoặc phát tán các đặc tính kháng sang các loài vi khuẩn gây độc khác. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh kéo dài có thể làm thay đổi số lượng vi khuẩn nội tại kháng kháng sinh và dẫn đến bệnh đặc biệt khó kiểm soát. Nghiên cứu này đóng góp những kết quả quan trọng trong cảnh báo việc sử dụng thuốc kháng sinh để dự phòng và điều trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Nghiên cứu tiếp theo cần phân tích cụ thể các cơ chế phân tử (gen kháng, plasmid) nhằm tăng cường kiểm soát việc phát tán sang nhóm vi khuẩn gây hại cho sức khỏe con người

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-06-14
Chuyên mục
Nghiên cứu khoa học