Đặc điểm của vi khuẩn đa kháng phân lập từ các loài cá cảnh và tiềm năng phòng ngừa bằng các hợp chất tự nhiên

  • Nguyễn Thành Luân
Từ khóa: Cá cảnh, hợp chất chiết xuất từ thực vật, vi khuẩn đa kháng

Tóm tắt

Công nghiệp cá cảnh đang phát triển nhanh trên toàn thế giới, tuy nhiên cá cảnh cũng là nguồn phát tán và lây nhiễm các tác nhân gây bệnh từ cá sang người. Trong nghiên cứu này, các đặc điểm sinh học của 7 chủng vi khuẩn gram (+) phân lập được từ 4 loài cá cảnh đang nuôi và buôn bán tại Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm mức độ nhạy cảm của chúng với các loại kháng sinh và các hợp chất chiết xuất từ thực vật đã được khảo sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6/7 chủng vi khuẩn đa kháng, kháng ít nhất 8/12 loại kháng sinh. Đối với các loại kháng sinh đã cấm sử dụng, 7 chủng vi khuẩn này đều nhạy cảm với ciprofloxacin, ofloxaxin, và có rất ít chủng nhạy cảm với ampicillin (4/7), tetracyclin (1/7), và chloramphenicol (0/7). Trong số 6 chủng vi khuẩn được chọn, định danh bằng 16S rDNA, có 5 chủng cho kết quả định danh với mức tương đồng cao (>99,6% bằng NCBI blast) với Enterococcus faecalis JCM 5803. Hai hợp chất chiết từ thực vật TT1 và TT2 có thể ức chế 4 chủng vi khuẩn phân lập được từ cá koi Nhật Bản, cá chép vảy rồng, và cá đầu lân. Đặc biệt là kết quả nghiên cứu cho thấy cá cảnh bị nhiễm vi khuẩn E. faecalis có thể là nguyên nhân phát tán gene kháng kháng sinh vào môi trường tự nhiên và gây ảnh hưởng xấu đến quần thể cá bản địa và sức khỏe con người. Việc sử dụng các hợp chất chiết xuất từ thực vật thay thế kháng sinh để phòng, trị bệnh cho cá cảnh sẽ là liệu pháp an toàn. Tuy nhiên, những cơ chế làm xuất hiện hiện tượng siêu kháng của vi khuẩn, sự ức chế vi khuẩn của dịch chiết thảo dược cần được nghiên cứu tiếp theo.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-11-20
Chuyên mục
Nghiên cứu khoa học