Xác định khả năng kích thích tạo kháng thể đặc hiệu của kháng nguyên tái tổ hợp GP5-ELB của virus PRRS gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn trên động vật thí nghiệm

  • Nguyễn Thị Minh Hằng
  • Hồ Thị Hương
  • Phạm Bích Ngọc
  • Nguyễn Trung Nam
  • Chu Hoàng Hà

Tóm tắt

Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (Porcine reproductive and respiratory syndrome -
PRRS) do virus PRRS thuộc chi Arterivirus, họ Arteriviridae, thuộc bộ Nidovirales gây ra đã và đang
gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Glycoprotein 5
(GP5) là một protein vỏ quan trọng của virus PRRS, có khối lượng phân tử là 24-25 kDa, được biết
đến như yếu tố kích thích việc sản sinh kháng thể trung hòa ở lợn. GP5 được nghiên cứu để thiết kế
vaccine tiểu đơn vị phòng chống PRRS. Để có cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu phát triển vaccine
tiểu đơn vị có nguồn gốc thực vật phòng chống PRRS, GP5 đã được dung hợp với ELP tạo protein
tái tổ hợp và tích luỹ trong cây thuốc lá bằng phương pháp biểu hiện gen tạm thời. Protein GP5-ELP
từ mô lá thuốc lá N. benthamiana được tách chiết, tinh sạch bằng phương pháp mITC và thu hồi
protein mục tiêu. Hiệu suất thu hồi protein GP5-ELP là 98%, mức độ tinh sạch của protein GP5-ELP
là 81,1%. Protein tinh sạch được sử dụng để gây miễn dịch trên chuột bạch, chủng BALB/C 4-6
tuần tuổi và thu huyết thanh từ máu chuột ở các thời điểm: Trước khi tiêm kháng nguyên, ngày thứ
21 và 35 sau lần tiêm kháng nguyên đầu tiên. Kháng nguyên tinh sạch GP5-ELP được tạo ra có khả
năng kích thích sản sinh kháng thể IgG đặc hiệu kháng GP5-ELP trên chuột. Kháng thể IgG đặc hiệu
kháng GP5-ELP đã tăng lên hơn 2,4 lần sau ba lần tiêm so với sau hai lần tiêm. Như vậy, có thể khẳng
định rằng kháng nguyên GP5-ELP được tổng hợp trong mô lá thuốc lá N. benthamiana bằng phương
pháp biểu hiện gen tạm thời trong thực vật có khả năng gây ra đáp ứng miễn dịch trên động vật thí
nghiệm. Đây là căn cứ khoa học quan trọng để nghiên cứu sử dụng GP5-ELP như một ứng viên trong
việc phát triển vaccine tiểu đơn vị phòng chống PRRS
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-04-06
Chuyên mục
Nghiên cứu khoa học