ĐỀ XUẤT CƠ SỞ QUY HOẠCH VÙNG TRỒNG NẤM RƠM Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

  • Võ Thành Danh*
  • Nguyễn Hữu Đặng
  • Ngô Thị Thanh Trúc
  • Lê Vĩnh Thúc
  • Trần Nhân Dũng
  • Ong Quốc Cường
  • Trương Thị Thúy Hằng
  • Thái Đăng Khoa
Từ khóa: Quy hoạch vùng sản xuất nấm rơm, quản lý rơm rạ.

Tóm tắt

Nghiên cứu tiến hành phân tích, đánh giá các yếu tố điều kiện ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nấm rơm dọc theo chuỗi giá trị nấm rơm làm cơ sở quy hoạch bố trí các vùng sản xuất nấm tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu sơ cấp thu thập từ 115 hộ trồng nấm tại hai tỉnh Cần Thơ và Đồng Tháp và 543 hộ trồng lúa (cung cấp rơm rạ) tại bốn tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang được khảo sát bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Ngoài ra, nghiên cứu cũng sử dụng số liệu thứ cấp thu thập từ Niên giám thống kê các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cùng với phương pháp phân tích thống kê mô tả như tần suất, số tỷ lệ, số trung bình, độ lệch chuẩn, phân tổ thống kê, phân tích ANOVA. Kết quả cho thấy rằng, về quản lý rơm rạ, chỉ có một số ít nông dân có thu hoạch rơm rạ lần lượt trong các vụ Hè Thu, Thu Đông, Đông Xuân là 9%, 10%, 12% trong khi phần lớn họ đốt hoặc vùi rơm rạ trong đồng. Nấm rơm chủ yếu được trồng ngoài trời trong khi các mô hình trồng nấm trong nhà chưa được phát triển nhiều. Dựa trên các điều kiện: (i) nguồn cung cấp rơm rạ, (ii) điều kiện và kỹ thuật trồng nấm, và (iii) nguồn nước tưới đảm bảo, có ba phương án quy hoạch bố trí vùng sản xuất nấm rơm được xây dựng. Theo phương án chọn (Phương án 2), có ba vùng sản xuất nấm rơm tập trung được bố trí là: Vùng I bao gồm các khu vực không bị ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và đủ nước ngọt quanh năm cho trồng nấm rơm bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long; Vùng II bao gồm các khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và là các tỉnh ven biển bao gồm các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh; Vùng III bao gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre nơi chủ yếu là mô hình lúa-tôm (Cà Mau, Bạc Liêu) và đang có sự chuyển dịch khỏi lúa nhiều như Bến Tre.

Thông tin tác giả

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ

*Tác giả liên hệ: vtdanh@ctu.edu.vn

Lịch sử bài báo

Ngày nhận: 28/9/2020; Ngày nhận chỉnh sửa: 26/10/2020; Ngày duyệt đăng: 27/11/2020

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-02-04
Chuyên mục
NGHIÊN CỨU