Số cũ

  • Quy chế Quản lý kiến trúc - Những vấn đề đặt ra? & Hà Giang phát triển lên đô thị loại II - Cơ hội và thách thức?
    Tập. 1 Số. 241 (2022)

    Bạn đọc thân mến!
    Trong những năm gần đây, đô thị, nông thôn Việt Nam đứng trước nhiều biến động, thách thức mới. Đặc biệt là vấn đề hoàn thiện về cơ chế chính sách. Cùng với đó là sự ra đời của Luật Kiến trúc, chương trình triển khai Quy hoạch tỉnh, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản...
    Để các nhiệm vụ trên được cụ thể hóa và đi vào thực tiễn, nhiều vấn đề lớn được đặt ra như: Quy hoạch tỉnh - Thời hạn và tầm nhìn?, Sửa đổi Luật Đất đai - Những vấn đề gì cần đặt ra?, Luật Kiến trúc với quy chế quản lý kiến trúc đô thị và điểm dân cư công thôn ra sao?...
    Hiện nay, các địa phương đang hướng đến xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa xây dựng được quy chế này. Đặc biệt, các địa phương đang thực hiện thì còn nhiều những vướng mắc, bất cập, lúng túng.
    Để góp phần chia sẻ, làm rõ thêm những nội dung trên, KTVN thực hiện chuyên đề “Quy chế Quản lý kiến trúc - Những vấn đề đặt ra?” . Chuyên dề nhằm góp phần vào hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại và giải pháp giúp tăng cường công tác xây dựng và quản lý kiến trúc đô thị, điểm dân cư nông thôn hiệu quả và bền vững.
    Cũng trong số này, Tạp chí gửi đến bạn đọc chuyên đề “Hà Giang phát triển lên đô thị loại II - Cơ hội và thách thức?” với những ý kiến đóng góp chia sẻ của các chuyên gia về việc Hà Giang cần xác định công tác quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị cũng như quy hoạch xây dựng đô thị như thế nào để tạo động lực và tầm nhìn phát triển? TP Hà Giang sẽ có những gì để tạo nên bản sắc riêng cũng như tạo được sự nhận diện riêng cho đô thị Hà Giang?
    Những vật liệu sang trọng, bền đẹp cũng được giới thiệu trong kỳ này, Chuyên mục Nghiên cứu khoa học bao gồm những bài viết chuyên sâu về đô thị, quy hoạch, kiến trúc, mang tới những kiến thức, góc nhìn, giải pháp mới cho KTS, kỹ sư và các bạn đọc quan tâm.
    Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
    TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

  • Quy hoạch tỉnh - Thời hạn và Tầm nhìn
    Tập. 1 Số. 239 (2022)

    Bạn đọc thân mến!

    Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

    Nghị quyết 18-NQ/TW tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất.

    Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các địa phương hiện nay đang tập trung thực hiện quy hoạch Tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy hoạch tỉnh vừa qua, đã có nhiều nội dung mới được xác định, thể hiện vai trò, ý nghĩa của công tác quy hoạch tỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhiều những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện.

    Lựa chọn chuyên đề “Quy hoạch Tỉnh – Thời hạn và Tầm nhìn”, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam mong muốn cùng nhìn nhận lại những khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai quy hoạch tỉnh cũng như những giải pháp tháo gỡ mà các chuyên gia, nhà quy hoạch muốn gửi gắm, góp sức cùng các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch hiện nay.

    Bên cạnh đó, Kiến trúc Việt Nam kỳ này cũng chọn lựa, giới thiệu một số công trình có thiết kế đẹp mắt, tổ chức không gian linh hoạt, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường vừa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng cũng như tạo điểm nhấn, giúp dễ dàng nhận diện thương hiệu.

    Sự điểm xuyến một số dự án bất động sản có vị trí đắc địa, không gian sống thoáng đãng, được thiết kế với đa dạng phong cách sẽ giúp cho khách hàng có nhiều lựa chọn phù hợp với sở thích, cá tính của mình. Hơn thế nữa, các dự án này được phát triển, vận hành bởi các tập đoàn quản lý danh tiếng sẽ mang đến sự yên tâm cho cả người mua để an cư và đầu tư.

    Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

    TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

  • Phát triển công trình xanh Việt Nam – 10 năm nhìn lại
    Tập. 1 Số. 237 (2021)

    Bạn đọc thân mến!

    Ấn phẩm Kiến trúc Việt Nam Quý vị đang cầm trên tay là số Tạp chí mừng Xuân Nhâm Dần được Ban biên tập đón đợi để gửi gắm đến Quý vị như một món quà đầu xuân mới.

    Thấm thoát một năm trôi qua, đất nước lại bước vào một mùa xuân mới với cái tết cổ truyền dân tộc đang hòa chung không khí tươi vui tới mọi nhà. Nhìn lại năm 2021, lĩnh vực Kiến trúc, quy hoạch, xây dựng cũng đã trải qua một năm nhiều khó khăn ảnh hưởng từ đại dịch Covid. Tuy nhiên, dù trong những điều kiện hoàn cảnh khó khăn nào thì xã hội cũng sẽ dần khắc phục và là cơ hội để bộc lộ, phát huy sức mạnh nội tại vốn có.

    Một năm dịch bệnh, dãn cách xã hội, lại là cơ hội cho lĩnh vực công nghệ đi những bước nhanh gấp nhiều năm. Vào dịp cuối năm 2021, các giải thưởng Kiến trúc quốc gia, Quy hoạch quốc gia, Giải thưởng Loa Thành, Giải thưởng công trình xanh, Ashui Awards 2021… cũng đã diễn ra thành công. Đây cũng là những dịp sau những biến cố của đại dịch, chúng ta có dịp tĩnh tại nhìn lại các sản phẩm kiến trúc, quy hoạch, xây dựng Việt Nam trong những năm gần đây.

    Bước vào năm mới 2022, xu hướng phát triển công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam sẽ vẫn là xu hướng tất yếu để xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam “xanh” và bền vững. 10 năm hình thành phong trào phát triển công trình xanh tại Việt Nam đã đánh dấu một chặng đường bền bỉ tiếp cận và chọn lọc để kiến trúc Việt Nam bắt kịp với những xu thế tiến bộ trên thế giới, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người dân. Dấu mốc 10 năm thực thi vừa qua cũng cho thấy phát triển công trình xanh tại Việt Nam vào thời điểm này cần bước sang một giai đoạn mới quyết liệt và hiện thực hóa cao hơn nữa để có những mục tiêu, chính sách tiếp nối phù hợp;Tạo động lực mới cho công cuộc phát triển công trình xanh mạnh mẽ tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

    Kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tới đây vẫn luôn hướng đến xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, bản sắc, phát triển bền vững. Trên hành trình đó, luôn cần cái tâm, tầm của những nhà lãnh đạo; Sự tâm huyết, sắc bén, bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật của những người làm nghề tư vấn thiết kế. Đặc biệt là vai trò tích cực của các chủ đầu tư, người dân.

    Cuối cùng, có một sự hiển nhiên là chúng ta tích cực tạo nên từng công trình đẹp sẽ góp phần tạo nên một bức tranh chung đẹp. Trong đó, mỗi cá thể công trình đẹp sẽ là nơi nuôi dưỡng tạo nên những giá trị văn hóa, tinh thần con người Việt Nam. Giá trị và sứ mệnh của những kiến trúc sư, nhà thiết kế là ở đó.

    Trong không khí đầy hy vọng của mùa xuân mới, Kiến trúc Việt Nam xin kính chúc Quý bạn đọc một năm an lành, như ý!

    TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

  • Giải pháp và thực tiễn trên thế giới về thành phố thông minh
    Số. 235 (2021)

    Những ngày này, cả thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Sau đại dịch, sẽ có nhiều sự biến chuyển lớn về tư duy, lối sống, quản trị xã hội... Ở góc độ chuyên ngành về phát triển kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, cũng là lúc giới chuyên môn, nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới cùng nhìn nhận lại về các mô hình phát triển đô thị cũng như mục tiêu công tác quy hoạch, kiến trúc trong các mô hình đô thị đó hiện nay. Thành phố thông minh là mô hình tương lai của các đô thị trên thế giới, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đô thị, hạn chế những tiêu cực của đô thị hiện tại nhằm giúp trở thành nơi đáng sống hơn. Xây dựng thành phố thông minh là chiến lược phát triển lâu dài. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu, cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn với những chính sách cụ thể về nguồn lực. Đặc biệt, cần lưu ý tới những vấn đề như phân bố chức năng, thiết lập không gian công cộng, đảm bảo vẫn để giao thông, mỗi trường không khí, sử dụng năng lượng, phân bố chức năng một cách hiệu quả... Các thành phố thông minh chỉ có thể được hiện thực hóa với một thể chế hiệu quả. Điều này đòi hỏi các cơ quan chính phủ khác nhau phải gạt bỏ những khác biệt về chuyên môn sang một bên để hoàn thành sứ mệnh và mục đích lớn hơn. Trong số Tạp chí này, KTVN thực hiện chuyên đề:  “Giải pháp và thực tiễn trên thế giới về thành phố thông minh”. Chuyên để lựa chọn giới thiệu một số nội dung mang tính tổng hợp, phân tích các vấn đề về: Sự tác động của đại dịch COVID-19 tới kiến trúc và đô thị,vấn đề giải pháp và thực tiễn trên thế giới về thành phố Tuy nhiên, trong khuôn khổ nhất định, chúng tôi xin đề cập tới những giải pháp phát triển thành phố thông minh tại khu vực Đông Nam Á. Và hẹn vào một dịp khác sẽ giới thiệu các giải pháp của thành phố thông minh tại châu Âu. Với khu vực châu Á, KTVN chọn giới thiệu các vấn đề về: Trung Quốc phát triển thành phố thông minh vượt trội; Ấn Độ với thành phố thông minh khổng lồ ven biển; Malaysia và thành phố thông minh trên đảo; Singapore phát triển thành phố thông minh công nghệ cao. Hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc!

  • Viện Kiến trúc Quốc gia - Đồng hành và Phát triển
    Tập. 1 Số. 248-249 (2023)

    Bạn đọc thân mến!

    Ấn phẩm Kiến trúc Việt Nam Qúy vị đang cầm trên tay là số Tạp chí mừng Xuân Giáp Thìn 2024 được Ban biên tập đón đợi để gửi gắm đến Qúy vị như một món quà đầu xuân mới.

    Nhìn lại năm 2023 với bức tranh kinh tế diễn ra có nhiều biến động, thuận lợi, khó khăn đan xen không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, xây dựng cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Tuy nhiên, dù trong điều kiện khó khăn nào thì xã hội cũng luôn chủ động trước những thách thức mới, qua đó mở ra nhiều cơ hội để phát huy tiềm lực nội sinh.

    Năm qua, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã tập trung vào những nội dung trọng tâm, bám sát nhiệm vụ mà Viện Kiến trúc Quốc gia và Bộ Xây dựng giao phó với loạt chuyên đề nghiên cứu khoa học, lý luận phê bình đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài lĩnh vực kiến trúc tích cực tham gia đóng góp nghiên cứu, viết bài. 

    Với truyền thống chuyển tải các bài báo khoa học chuyên sâu theo từng chuyên đề, Kiến trúc Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, phát huy vai trò là Tạp chí hàng đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ chế chính sách của Ngành, của Nhà nước về lĩnh vực quản lý phát triển kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn. 

    Cụ thể, năm 2023, Tạp chí đã tập trung vào một số chuyên đề lớn như: Hà Giang phát triển đô thị loại II - Động lực liên kết chuỗi giá trị bền vững; Nâng cao chất lượng ở trong căn hộ nhà ở xã hội - Tiếp cận từ không gian nội thất; Chuyển đổi số ngành Xây dựng - Thách thức và cơ hội; Kiến thiết kiến trúc, cảnh quan làng xã phát triển du lịch nông thôn Việt Nam; Quận Ba Đình - Bảo tồn và phát triển; Quận Hoàn Kiếm - Kế thừa và phát triển... Đặc biệt, năm qua Tạp chí cũng đã truyền tải thường xuyên các nội dung đóng góp ý kiến cho Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội trên các lĩnh vực quy hoạch, giao thông, môi trường...

    Bước vào năm mới 2024, tương lai vẫn luôn hướng đến xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, bản sắc, phát triển bền vững. Trên hành trình đó, luôn cần cái tâm, tầm của những nhà lãnh đạo; sự tâm huyết, sắc bén, bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật của những người làm công tác tư vấn thiết kế; đặc biệt là vai trò tích cực của chủ đầu tư, người dân.

    Trước thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam xin gửi lời cảm ơn chân thành tới quý độc giả, nhà khoa học, giới chuyên môn trong và ngoài ngành, các đối tác... đã luôn dành sự quan tâm, đồng hành với Tạp chí trong suốt chặng đường đã qua và chúc quý vị một năm mới Sức khỏe - An khang - Thịnh vượng! 

    Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

    TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

  • Quận Hoàn Kiếm - Kế thừa và Phát triển
    Tập. 1 Số. 246 (2023)

    Năm 2023, quận Hoàn Kiếm tròn 62 năm hình thành và phát triển với mốc sự kiện thành lập khu phố Hoàn Kiếm theo Quyết định 78-CP của Hội đồng Chính Phủ ngày 31/5/1961. Đây là mốc thời gian không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với quận Hoàn Kiếm mà còn với cả Thủ đô Hà Nội. Một không gian địa lý bề thế, xứng tầm với vị trí trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của Hà Nội đã được xác lập.

    Hơn 60 năm thành lập quận, Hoàn Kiếm đã luôn nêu cao tinh thần phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, năng động, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới một cách toàn diện, góp phần đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, đem lại chất lượng cho diện mạo đô thị và nâng cao đời sống người dân, phát triển bền vững.

    Để hiểu rõ hơn về vùng đất, con người cũng như những nỗ lực của chính quyền và người dân quận Hoàn Kiếm trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi của trung tâm Thủ đô Hà Nội, KTVN mời bạn đọc theo dõi chuyên đề “Quận Hoàn Kiếm: Kế thừa và phát triển” - Nơi khởi nguồn tiên phong, lan tỏa trong mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, sáng tạo nghệ thuật, tiền đề phát huy nguồn lực văn hóa làm sản phẩm phát triển kinh tế. Đồng thời, để cảm nhận về một quận Hoàn Kiếm vào bất kể thời điểm nào cũng là trung tâm đô thị đặc thù, là nhịp đập trái tim, hội tụ và lan tỏa mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội.

    Cũng trong số này, KTVN đặc biệt giới thiệu cùng bạn đọc vấn đề đang làm nóng nghị trường thời gian qua như “Kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai”. Những sáng tác kiến trúc mới mẻ, giải pháp bền vững cho công trình cũng được giới thiệu. Vấn đề phát triển xanh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng được luận bàn thông qua những bài viết nghiên cứu khoa học như: Lựa chọn chiến lược phát triển và bảo vệ hạ tầng xanh cho vùng ven TPHCM; Sự hình thành và phát triển của chùa Việt theo không gian; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị trong phát triển đô thị...

  • Không gian nội thất cho nhà ở xã hội
    Tập. 244 Số. 1 (2023)

    Bạn đọc thân mến!

    Trong dư âm của nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến các chương trình kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Ngày Kiến trúc Việt Nam; KTVN số này lựa chọn gửi tới bạn đọc những góc nhìn của các chuyên gia, KTS về sự nhận diện tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa Việt Nam và việc khai thác những giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa… Đây là những vấn đề cần thiết đang đặt ra hiện nay trong mục tiêu hướng đến “tạo dựng di sản kiến trúc cho đời sau“.

    Tạp chí Kiến trúc Việt Nam thời gian qua với vai trò là tạp chí khoa học chuyên ngành về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị và nông thôn, bằng những tuyến bài chuyên sâu và sự đóng góp tâm huyết, tích cực của các chuyên gia đã góp phần tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu, quản lý, đồng hành và phát triển cùng các địa phương. KTVN số này mời bạn đọc đến với những vấn đề của Tây Ninh trong “Khai thác giá trị văn hoá – Tài nguyên bản địa phát triển sản phẩm du lịch Tây Ninh” hay “Cảm nhận về công trình văn hoá tâm linh trên núi Bà Đen”.

    Thưa Quý độc giả! Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023. Trong đó, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, tạo điều kiện, hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội. Để đề án đi vào cuộc sống, vấn đề phát triển loại hình nhà ở này cả về số lượng và chất lượng là một yêu cầu thực tế cấp bách đặt ra. KTVN số này trân trọng gửi tới độc giả Chuyên đề “Nâng cao chất lượng ở trong căn hộ nhà ở xã hội – Tiếp cận từ không gian nội thất?”.

    Cũng trong số này, KTVN giới thiệu tới bạn đọc những sáng tác, giải thưởng, thiết kế sáng tạo, những giải pháp công nghệ vật liệu, mẫu nội thất mới… Đồng thời, cùng luận bàn thông qua những bài viết Nghiên cứu khoa học liên quan tới: Ảnh hưởng của Văn hóa đối với Kiến trúc; Kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại; Kiến trúc bản địa trong bối cảnh công nghệ hiện đại phát triển; Mặt cầu – Ứng dụng trong kiến trúc…

    Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

    TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

  • Phát triển bền vững
    Tập. 1 Số. 242 (2022)

    Bạn đọc thân mến!
    Ấn phẩm Kiến trúc Việt Nam quý vị đang cầm trên tay là số Tạp chí mừng Xuân Quý Mão được Ban Biên tập đón đợi để gửi gắm đến quý vị như một món quà đầu xuân mới.
    Nhìn lại năm 2022 với bức tranh kinh tế diễn ra có nhiều biến động, khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, xây dựng cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Tuy nhiên, dù trong điều kiện khó khăn nào thì xã hội cũng dần thích ứng, trong thách thức đã mở ra nhiều cơ hội để phát huy tiềm lực nội sinh, vươn mình bứt phá.
    Năm qua, Tạp chí KTVN đã tập trung vào những nội dung trọng tâm, bám sát nhiệm vụ mà Viện Kiến trúc Quốc gia và Bộ Xây dựng giao phó với loạt chuyên đề nghiên cứu khoa học, lý luận phê bình, được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc đóng góp kinh nghiệm, giải pháp, giúp cho Tạp chí ngày càng khẳng định vị thế, phát huy vai trò là Tạp chí hàng đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ chế chính sách của Ngành, của Nhà nước về lĩnh vực quản lý phát triển kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn. Tạp chí đã tập trung vào một số chuyên đề lớn như: Sửa đổi Luật Đất đai - Những vấn đề đặt ra?; Quy hoạch tỉnh - Thời hạn và tầm nhìn; Phát triển nhà ở xã hội - 10 năm nhìn lại; Quy chế quản lý kiến trúc - Những vấn đề đặt ra?
    Bước sang năm mới 2023, xu hướng trong tương lai sẽ vẫn luôn hướng đến xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, bản sắc, phát triển bền vững. Trên hành trình đó, luôn cần cái tâm, tầm của những nhà lãnh đạo; sự tâm huyết, sắc bén, bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật của những người làm công tác tư vấn thiết kế. Đặc biệt là vai trò tích cực của chủ đầu tư, người dân.
    Trước thềm Xuân mới Quý Mão 2023, KTVN xin gửi lời cảm ơn chân thành tới quý độc giả, nhà khoa học, giới chuyên môn trong và ngoài ngành, các đối tác đã luôn dành sự quan tâm, đồng hành với Tạp chí trong suốt chặng đường đã qua và chúc quý vị một năm mới sức khỏe, bình an, vạn sự tốt lành, mọi việc hanh thông.
    TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

  • PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI - 10 NĂM NHÌN LẠI
    Tập. 1 Số. 240 (2022)

    Bạn đọc thân mến!

    Trong hơn 60 năm qua, Nhà nước luôn coi trọng chính sách đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Từ chính sách nhà ở công lập (tiền thân của chính sách nhà ở xã hội hiện nay), xây dựng các khu “nhà ở công” để cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động thuê ở trong giai đoạn những năm 1960 đến năm 1991, đến chính sách nhà ở xã hội hiện nay. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện các chính sách về loại hình nhà ở này đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, phù hợp hơn trong giai đoạn mới.

    Mới đây, tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp”. Và đặt ra mục tiêu: “Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”.

    Với mong muốn góp sức hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam thực hiện Chuyên đề “Phát triển nhà ở xã hội - 10 năm nhìn lại” nhằm nhận diện những khó khăn, bất cập đang tồn tại, chia sẻ những luận điểm mới qua góc nhìn của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp thông qua chuyên mục Vấn đề hôm nay “Phát triển nhà ở xã hội - Chặng đường mới, khó khăn và giải pháp”.

    Những công trình có không gian tiện nghi, gần gũi với thiên nhiên cũng được giới thiệu trong kỳ này, nhằm lan tỏa ý niệm về những không gian sống mới: lấy con người làm trung tâm, hướng tới sống an toàn, sống tiện lợi, sống đẹp, sống thăng hoa, thân thiện với môi trường.

    Chuyên mục Nghiên cứu khoa học bao gồm những bài viết chuyên sâu về đô thị, quy hoạch, kiến trúc, hình học họa hình, mang tới những kiến thức, góc nhìn, giải pháp mới cho KTS, kỹ sư và các bạn đọc quan tâm.

    Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

    TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

  • Những vấn đề đặt ra khi xây dựng cầu trong đô thị – Từ trường hợp cầu Trần Hưng Đạo
    Tập. 1 Số. 236 (2021)

    Bạn đọc thân mến!

    Kiến trúc vốn chứa đựng những tư duy sáng tạo, những ý tưởng độc đáo, nó giúp tạo nên những không gian nơi chốn nghệ thuật và thăng hoa. Chuyên đề kỳ này, KTVN chọn chủ đề “Những vấn đề đặt ra khi xây dựng cầu trong đô thị - Từ trường hợp cầu Trần Hưng Đạo” với sự tham gia của nhiều chuyên gia tâm huyết. Chuyên đề hướng tới xác định những tiêu chí về tính chất, quy mô, hình thức kiến trúc cầu trong đô thị cũng như những điều kiện cần và đủ cho các ý tưởng thiết kế cầu Trần Hưng Đạo tới đây.

    Với chuyên mục Vấn đề hôm nay, KTVN đặt vấn đề về “Luật Quy hoạch vẫn còn trầm luân” của tác giả Tô Văn Trường. Đây là vấn đề “nóng”, do việc thực hiện triển khai các quy hoạch quy định trong Luật Quy hoạch hiện nay không thể theo kỳ vọng tích hợp hệ thống từ trên xuống, vì thời gian quá ngắn và chưa có hướng dẫn quy trình, nội dung, tính chất, sản phẩm tích hợp trong các thông tư dưới luật, dẫn đến tình trạng quy hoạch các địa phương còn cục bộ, không đáp ứng, ráp nối hướng tới được đúng bản chất, giá trị, kết quả của một loại hình quy hoạch không gian kinh tế xã hội mang tính định hướng chiến lược quốc gia chung đang là vấn đề lớn được đặt ra.

    Hiện nay, các KTS Việt Nam gặt hái được nhiều thành tích tại các giải thưởng lớn trên thế giới về kiến trúc như WA Awards, AIA, WAF của các các KTS Việt ngày một nhiều hơn. Đó là sự nỗ lực tìm kiếm giải pháp xanh hóa cho công trình được thể hiện qua “Q Gallery Building” - Giải thưởng WA Awards của KTS Vũ Hoàng Kha và các cộng sự A+ Architects. Sinh viên Đại học Nguyễn Trãi Hà Nội vừa qua cũng đã thu về nhiều kết quả cao trong Giải thưởng Busan 2021 qua thiết kế của các sinh viên Vũ Thu Huyền, Trần Ngọc Tú, Nghiêm Đức Hiếu...

    Gần 02 năm xảy ra dịch bệnh hoành hành, đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội, trong đó lĩnh vực Vật liệu đã xoay chuyển tình thế với những sáng tạo đem lại các sản phẩm có giá trị về công nghệ. Đặc biệt, giúp con người phòng vệ, bảo đảm an toàn cho sức khỏe trong chính ngôi nhà của mình. KTS Trần Công Danh đi tìm giải pháp Kiến trúc Nhà ở thích ứng thời kỳ “Covid-19”; Hoàng Thảo nói về xu hướng công nghệ vật liệu xanh lên ngôi. Bên cạnh đó một số thương hiệu như FULCO, Saint-Gobain, Vách bay thủy lực, MX3D... cho thấy sự phong phú về chủng loại nhưng cũng mở ra nhiều xu hướng, loại hình công nghệ, vật liệu mới mới ngày một tối ưu cho các giải pháp công trình.

    Tiếp nối hành trình Nhìn ra thế giới với nội dung “Tổ hợp Khoa học và Kỹ thuật Liên ngành Đại học Northeastern (Mỹ)”. Công trình từng đạt Huân chương Harleston Parker, chứng nhận LEED Vàng cho các công trình xanh, dự án đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khu đại học và nghiên cứu về phía Nam tuyến tàu điện ngầm chính trong thành phố Boston. Là công trình tiêu biểu, kết thúc cuộc hành trình khám phá kiến trúc của TCKTVN kỳ này.

    Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

  • 75 năm ngày Kiến trúc Việt Nam
    Số. 243 (2023)

    Bạn đọc thân mến!

    80 năm đã đi qua kể từ khi Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời và 75 năm Bác Hồ gửi Thư cho các KTS, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giành tự do độc lập, xây dựng đất nước phát triển. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế cùng với sự tăng trưởng kinh tế, kiến trúc Việt Nam cũng phát triển nhanh cả về lượng và chất.

    Sáng tạo của giới KTS và đóng góp to lớn của ngành Xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị – nông thôn nước ta theo hướng văn minh, hiện đại và bản sắc. Hàng ngàn, vạn công trình kiến trúc mới, hiện đại với nhiều loại hình khác nhau như nhà ở; chung cư cao tầng; khu đô thị mới; khu du lịch cảnh quan, tâm linh… được xây dựng trên khắp 890 đô thị và vùng nông thôn cả nước. Đó là một khối lượng vật chất khổng lồ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo cuộc sống bình an, hạnh phúc cho nhân dân.

    Nhân dịp kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4/1948-27/4/2023), ngày truyền thống hàng năm của Hội KTS Việt Nam và giới KTS trên cả nước, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam triển khai chuyên mục VẤN ĐỀ HÔM NAY với chủ đề “Văn hóa và Kiến trúc” nhằm truyền tải những góc nhìn về mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc, vai trò của kiến trúc trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam.

    Cũng trong số này, KTVN gửi tới bạn đọc CHUYÊN ĐỀ: “Hà Giang phát triển đô thị loại II – Động lực liên kết chuỗi giá trị bền vững”. Chuyên đề nhằm gợi mở việc xây dựng thành phố Hà Giang lên đô thị loại II đồng thời với sự “kích hoạt” phát triển tại các cụm điểm, địa phương để hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững là hướng đi sát thực để xây dựng một Hà Giang đổi mới, phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

    Những vật liệu sang trọng, bền đẹp cũng được giới thiệu trong số này, chuyên mục ghiên cứu khoa học tiếp tục mang đến những bài viết chuyên sâu về tổ chức không gian, gìn giữ và phát huy giá trị kiến trúc cũng như quản lý quy hoạch kiến trúc… Tất cả sẽ mang tới những góc nhìn, giải pháp mới cho KTS, kỹ sư và bạn đọc quan tâm.

    Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

    TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM