Kiến thức và nhu cầu được đào tạo về sơ cấp cứu ban đầu của người dân tại 2 phường thuộc thành phố Huế

Trần Văn Vui, Lê Ngọc Anh, Đặng Thị Thanh Thuỷ, Nguyễn Thị Vân Trang, Nguyễn Thị Đăng Thư

Tóm tắt


DOI: 10.53522/ytcc.vi60.06

Ngày nhận bài: 13/07/2022

Ngày gửi phản biện: 20/07/2022

Ngày duyệt bài: 15/09/2022

Đặt vấn đề: Sơ cấp cứu ban đầu là kỹ năng vô cùng cần thiết giúp hạn chế tỷ lệ tử vong trước viện liên quan đến tai nạn thương tích. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc đào tạo sơ cấp cứu ban đầu ở người dân chưa thật sự được quan tâm. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu khảo sát kiến thức, nhu cầu được đào tạo về sơ cấp cứu ban đầu và tìm hiểu một số yếu tố liên quan của người dân tại 2 phường thành phố Huế.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 409 người dân bằng cách phỏng vấn trực tiếp các đối tượng bằng bộ câu hỏi soạn sẵn có cấu trúc và sử dụng mô hình hồi quy logistic để tìm các yếu tố liên quan.

Kết quả: Kết quả cho thấy có 32,5% người dân có kiến thức chung đạt và 72,1% đối tượng có nhu cầu được đào tạo về sơ cấp cứu ban đầu. Có sự liên quan giữa kiến thức chung với các biến trình độ học vấn (OR=2,464; 95%CI=1,540-3,944) và đã được học về sơ cấp cứu ban đầu (OR=2,728; 95%CI=1,687-4,412). Sự khác biệt giữa các yếu tố tuổi (OR=0,977; 95%CI=0,962-0,993), nghề nghiệp (OR=1,918; 95%CI=1,135-3,242) và kiến thức chung (OR=2,043; 95%CI=1,201-3,473) với nhu cầu được đào tạo có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Kết luận: Nghiên cứu cho thấy kiến thức của người dân về sơ cấp cứu ban đầu còn khá hạn chế, trong khi đó nhu cầu được đào tạo có tỷ lệ cao. Do đó, các nhà quản lý y tế cần tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho người dân

 

Từ khóa


Sơ cấp cứu ban đầu, kiến thức, nhu cầu phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Toàn văn:

PDF