Chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim mạn tính tại bệnh viện đa Khoa Vùng Tây Nguyên năm 2021

  • Khuê Nguyễn Ngọc Như
  • Sơn Phạm Thái
  • Hoàng Lê Tự
Từ khóa: Suy tim mạn tính; chất lượng cuộc sống; SF-36

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả và xác định một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim mạn tính tại bệnh viện đa Khoa Vùng Tây Nguyên.

Phương pháp nghiên cứu: thiết kế nghiên cứu cắt ngang được sử dụng trên 194 người bệnh từ 18 tuổi trở lên được chẩn đoán suy tim mạn, đang điều trị ngoại trú tại phòng khám nội tim mạch, bệnh viện vùng Tây Nguyên. Nghiên cứu sử dụng bộ công cụ SF-36.

Kết quả: Điểm trung bình chất lượng cuộc sống ở mức trung bình–khá (50,40±18,78), trong đó điểm sức khỏe thể chất ở mức trung bình–kém (41,14±22,50) và sức khỏe tinh thần ở mức trung bình–khá (59,66±19,48). Người bệnh nữ (p=0,044), phân độ suy tim từ độ 3 trở lên (p<0,001), có bệnh mạn tính mắc kèm (p=0,010) có điểm chất lượng cuộc sống về sức khỏe thể chất kém hơn những người bệnh suy tim mạn khác. Người bệnh có phân độ suy tim càng cao (p<0,001) có điểm chất lượng cuộc sống về sức khỏe tinh thần kém hơn những người bệnh suy tim mạn khác. Người bệnh có phân độ suy tim càng cao (p<0,001), bệnh mạn tính mắc kèm càng nhiều (p<0,031) có điểm  chất lượng cuộc sống kém hơn những người bệnh suy tim mạn khác.

Kết luận: Chất lượng cuộc sống nên được đánh giá định kỳ trong quá trình điều trị bệnh nhân suy tim mạn ngoại trú. Kiểm soát tối ưu số bệnh mạn tính mắc kèm, cải thiện phân độ suy tim nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh suy tim mạn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-06-25