Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến quần thể bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue tại xã Diên Lộc, Diên Khánh, Khánh Hòa năm 2019

  • Nguyễn Hữu Tài
  • Trần Thị Đức Hạnh
  • Trần Thị Tuyết Mai

Tóm tắt

Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả thực trạng và xác định một số yếu tố liên quan đến quần thể bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại xã Diên Lộc, Diên Khánh, năm 2019.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang có phân tích được tiến hành từ tháng 03 đến tháng 08 năm 2019. Có 215 hộ gia đình (HGĐ) của 3 thôn xã Diên Lộc được chọn vào nghiên cứu theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống. Các chỉ số véc tơ (bọ gậy, muỗi) được thu thập và đánh giá dựa theo hướng dẫn của Bộ Y tế (quyết định 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014). Các thông tin về phỏng vấn, quan sát thực hành phòng bệnh SXHD tại HGĐ được thu thập theo bộ câu hỏi và bảng kiểm quan sát được thiết kế và đã được điều tra thử trước khi tiến hành thu thập số liệu.

Kết quả: Chỉ số véc tơ truyền bệnh SXHD điều tra được tại 215 HGĐ: chỉ số nhà có bọ gậy (HIL%)= 36,7; chỉ số Breteau (BI)=45,1; chỉ số mật độ muỗi (DI) =0,62 con/nhà, tỷ lệ nhà có muỗi (HI%) = 26. Các yếu tố liên quan đến quần thể véc tơ truyền bệnh SXHD: những HGĐ không súc rửa, thay nước lọ hoa, đậy kín, dọn dẹp vật phế thải, lật úp dụng cụ chứa nước (DCCN) sẽ có nguy cơ có bọ gậy cao hơn những HGĐ có thực hành tốt những việc trên; những HGĐ không thông thoáng sạch sẽ, có khả năng có muỗi truyền bệnh SXHD cao gấp 3,2 lần so với nhà thông thoáng, sạch sẽ (với OR = 6,18, KTC 3,15 - 12,13).

Kết luận và khuyến nghị: Các chỉ số véc tơ truyền bệnh SXHD điều tra được đều nằm ở mức nguy cơ cao so với quy định của Bộ Y tế. Trạm Y tế cần lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc diệt bọ gậy 1 tuần/1 lần, hướng dẫn người dân chú ý thay nước lọ hoa cắm cây xanh hàng tuần, thu gom loại trừ phế thải, làm nắp đậy kín các DCCN lớn và vừa, thả cá Bảy màu, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-02-17
Chuyên mục
Bài viết