Một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở người cao tuổi huyện Chương Mỹ, Hà Nội, năm 2019

  • Nguyễn Hằng Nguyệt Vân
  • Nguyễn Thị Khánh Huyền
  • Hà Ngọc Anh
  • Vũ Thị Thanh Mai
  • Phạm Quốc Thành

Tóm tắt

Già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Các bằng chứng cho thấy về sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện, tử vong, và suy giảm chức năng liên quan đến các rối loạn tâm thần phổ biến ở người cao tuổi, trong đó rối loạn trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất.

Mục tiêu: Nghiên cứu này nhằm mục đích 1) mô tả thực trạng trầm cảm và 2) xác định các yếu tố liên quan đến trầm cảm ở người cao tuổi huyện Chương Mỹ, Hà Nội năm 2019.

Phương pháp: Nghiên cứu sử dụng thiết kế cắt ngang trên 376 người cao tuổi (từ 60 trở lên) được chọn ngẫu nhiên tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, năm 2019.

Kết quả: Tỷ lệ người cao tuổi được đánh giá trầm cảm là 26,1% (18,6% trầm cảm nhẹ, 6,1% trầm cảm vừa và 2,4% trầm cảm nặng). Nghiên cứu chỉ ra các yếu tố liên quan đến trầm cảm người cao tuổi như giới tính, trình độ học vấn, kinh tế gia đình, hoàn cảnh sống, công việc hiện tại, nhu cầu được hỗ trợ tâm lý và có tham gia các hoạt động xã hội (p<0,05).

Kết luận: Việc nhận biết trầm cảm ở người cao tuổi là quan trọng để thiết kế các chương trình y tế công cộng giúp sàng lọc bệnh trầm cảm sớm, tăng cường các hỗ trợ xã hội để cải thiện đời sống tinh thần của người cao tuổi.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-02-14
Chuyên mục
Bài viết