TRẢI NGHIỆM CÔ ĐƠN CỦA ĐỘC GIẢ KHI ĐỌC TÁC PHẨM CỦA TÀN TUYẾT DƯỚI LÍ THUYẾT CỦA TIẾP NHẬN VĂN HỌC

DOI: 10.18173/2354-1067.2022-0002

  • Nguyễn Thị Hồng Nhung
Từ khóa: Tàn Tuyết, văn học đương đại Trung Quốc, trải nghiệm cô đơn, tiếp nhận văn học.

Tóm tắt

Tàn Tuyết là nữ văn sĩ nổi tiếng trên văn đàn đương đại Trung Quốc, được mệnh danh là “Kafka của châu Á”, sáng tác của nữ nhà văn được đông đảo bạn đọc trên thế giới yêu thích, đặc biệt có sức hấp dẫn với độc giả Nhật Bản và rất nhiều quốc gia phương Tây. Tác phẩm của Tàn Tuyết đòi hỏi ở người đọc sự kiên nhẫn qua việc trải nghiệm từng cảm xúc, cảm giác trong thế giới nghệ thuật cô độc mà Tàn Tuyết mở ra. Đó là một thế giới mà trung tâm của nó là chiều sâu bản thể, “nhân tính” của con người; và người đọc với những tầm đón nhận, tâm thế đón nhận khác nhau của thời đại hậu hiện đại khi thâm nhập được vào thế giới nghệ thuật ấy chắc chắn sẽ đồng cảm với sự cô đơn, lạc lõng, mất kết nối của nhân vật. Sự cô đơn ấy xuất hiện thường trực như một điều tất yếu trong cuộc sống của các nhân vật khi họ không thể gọi tên cảm xúc để tự cân bằng tinh thần của chính mình. Qua đó, người đọc soi chiếu lại bản ngã của chính mình trong thế giới thực, tự cân bằng lại bản ngã đã bầm dập, và hướng tới mở rộng và nâng cao tâm hồn, hướng về cái Đẹp, cái Thiện thông qua sự không thoả hiệp với cái Xấu, cái Ác trong tác phẩm. Sau quá trình đồng cảm, cái “tôi” cô đơn, cô độc được thanh lọc và bừng tỉnh – nhận thức được chân giá trị bản thể của con người – cô đơn là một phần tất yếu trong bản chất con người, từ đó dung hòa với nỗi cô đơn của bản thân, làm bạn với “đứa trẻ bên trong” của chính mình, tự làm giàu giá trị của bản thân, trở thành một cá nhân tích cực của một cộng đồng người văn minh, lối sống lành mạnh của người trưởng thành trong xã hội hiện đại. 
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-10-05