TỰ SỰ VỀ MÀU DA VÀ “TÂM THỨC KÉP” TRONG TIỂU THUYẾT CỦA WILLIAM FAULKNER
DOI: 10.18173/2354-1067.2021-0045
Tóm tắt
Chủng tộc là một trong những mối bận tâm lớn trong văn chương William Faulkner. Bài báo này tiếp cận vấn đề chủng tộc từ khái niệm “tâm thức kép” của W. E. B. Du Bois. Vốn được dùng để nói về xung đột căn tính của người Mỹ gốc Phi, “tâm thức kép”, ở đây, được mở rộng và trở thành câu chuyện của những màu da khác nhau: da trắng, da đen, lai chủng. Đặt trong lịch sử tự sự về màu da trong văn học Mỹ, chúng tôi nhận thấy những đặc trưng trong cách tiếp cận của Faulkner về vấn đề chủng tộc. Thứ nhất, nhà văn viết với tâm thế diễn giải, truy vấn lịch sử, truy tìm và tái dựng những xung đột căn tính của những chủng người khác nhau trên đất Mỹ hậu Nội chiến. Thứ hai, ông chất vấn đường cắt nhị nguyên giữa các màu da, để thấy những định kiến văn hoá về chủng tộc là một tội ác, một lời nguyền mà loài người phải lãnh chịu. Tuy vậy, Faulkner vẫn chưa thể vượt thoát ra khỏi những định kiến về màu da trong văn mình. Điều này bị chi phối bởi những khuôn mẫu tồn tại dài lâu trong văn hoá Mỹ và từ chính “tâm thức kép” của một nhà văn da trắng trên đất Mỹ.