Tập tính ăn và lượng vi nhựa ăn vào của một số loài cá bống phân bố ở đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định

  • Trình Thị Thúy Hằng
  • Võ Văn Chí
Từ khóa: vi nhựa , đầm thị nại , loài cá bống , tập tính ăn , tích tụ vi nhựa.

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tập tính ăn và lượng vi nhựa ăn vào của 3 loài cá bống phân bố ở đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định. Mỗi loài được thu 30 cá thể từ ngư dân để nghiên cứu. Trong đó, 20 cá thể của mỗi loài được giải phẫu để xác định thức ăn tự nhiên và 10 cá thể còn lại được tách lấy ống tiêu hóa và phân tích sự tích tụ vi nhựa. Kết quả cho thấy, mặc dù tính ăn của 3 loài cá là khác nhau nhưng tần suất xuất hiện của mùn bã hữu cơ trong trong dạ dày của các loài đều cao hơn so với các loại thức ăn khác. Lượng vi nhựa ăn vào không khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa 3 loài, dao động từ 6,50 đến 9,20 vi nhựa/cá thể; từ 0,58 đến 1,16 vi nhựa/g khối lượng cơ thể; và từ 31,47 đến 57,55 vi nhựa/g khối lượng ống tiêu hóa. Cả 3 loài cá đều ăn vào phần lớn là vi nhựa dạng sợi (75,38 - 82,50%) có kích thước từ 500-2000µm (59,09 – 65,75%). Từ những kết quả thu được có thể nhận định rằng, tập tính ăn khác nhau của 3 loài cá bống trong nghiên cứu này không ảnh hưởng đến lượng vi nhựa ăn vào và vi nhựa trong mùn bã hữu cơ là nguồn vi nhựa tích lũy chính trong hệ tiêu hóa của 3 loài này. Cần có nhiều nghiên cứu thêm để xác định rõ hơn các tác động sinh học và sinh thái của các vi nhựa nhựa đối với cá.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-10-28