Thiết kế hệ thống sục đuổi và bẫy – giải hấp nhiệt kết hợp sắc ký khí đầu dò huỳnh quang nguyên tử để phân tích siêu vi lượng methyl thuỷ ngân

  • Lê Thị Huỳnh Mai
  • Nguyễn Công Hậu
  • Huỳnh Quan Thành
  • Nguyễn Văn Đông
Từ khóa: sắc ký khí, đầu dò huỳnh quang nguyên tử, methyl thuỷ ngân, sục đuổi và bẫy, hàm lượng, thủy ngân siêu vết, Gas chromatography, atomic fluorescence detector, methylmercury, purge and trap, ultra – trace levels

Tóm tắt

Phương pháp xác định methyl thuỷ ngân được nghiên cứu trên hệ thống sắc ký khí đầu dò huỳnh quang nguyên tử với kỹ thuật làm giàu mẫu là sục đuổi và bẫy. Giao diện ghép nối hệ sắc ký khí và đầu dò huỳnh quang nguyên tử được thiết kế lại dựa trên hệ thống đã có sẵn tại phòng thí nghiệm. Các thông số vận hành của toàn bộ hệ thống được tối ưu hoá và hiệu năng phân tích của hệ thống được xác nhận bằng giản đồ kiểm soát chất lượng về độ nhạy. Phương pháp này khác biệt so với các kỹ thuật khác do nó không cần phải chiết bằng dung môi các hợp chất thuỷ ngân hữu cơ ra khỏi dung dịch nước mà chủ yếu dựa vào sự bay hơi nhanh chóng của nó thông qua phản ứng hoá học ngay trong ống impinger. Một lượng nhất định methyl thuỷ ngân được thêm vào bình sục mẫu chứa sẵn khoảng 100 mL nước. Hợp chất methyl thuỷ ngân khó bay hơi sẽ chuyển thành hợp chất ethylmethyl thuỷ ngân dễ bay hơi bằng cách cho phản ứng với sodium tetraethylborate tại môi trường pH 5,0 tạo ra bởi đệm acetate. Phản ứng hoá học này xảy ra ngay trong ống impinger. Hợp chất được tạo dẫn xuất dễ bay hơi này sau đó được sục đuổi bằng dòng khí Ar và được lôi cuốn đến tích góp trên bẫy Tenax trong 30 phút. Kết thúc quá trình tích góp, bẫy được giải hấp nhiệt để dẫn chất phân tích vào hệ thống sắc ký khí cho quá trình định lượng. Giới hạn phát hiện của thiết bị là 4,8 pg Hg/L. Phương pháp có thể được áp dụng để phân tích methyl thuỷ ngân trong các mẫu nước ở hàm lượng siêu vết.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-08-13
Chuyên mục
BÀI NGHIÊN CỨU