Đánh giá biến lượng di truyền con lai cây cao su thuộc hai tổ hợp lai PB260 x RO44/71 và PB260 x RO62/54 bằng kỹ thuật RAPD

  • Nguyễn Minh Thiện
  • Phạm Thị Mỹ Tiên
Từ khóa: Biến lượng di truyền, PB260 x RO44/71, PB260 x RO62/54, RAPD, cây cao su

Tóm tắt

Việc đánh giá các con lai bằng các chỉ thị hình thái như hiện nay tốn nhiều thời gian và dễ bỏ sót vật liệu di truyền tốt chưa được biểu hiện ở con lai. Để rút ngắn thời gian chọn tạo và sử dụng tối đa vật liệu di truyền, ngành cao su đã ứng dụng các chỉ thị phân tử dựa trên DNA như RAPD (Random Amplification of Polymorphic DNA) vào công tác chọn giống. Chúng tôi đã sử dụng 8 primer để đánh giá 71 con lai và bố mẹ của chúng; kết quả thu được được phân tích bằng các phần mềm Popgene 1.31, GenAlEx 6.1 và NTSYSpc 2.1. Kết quả PCR với 8 primer thu được tổng cộng 109 băng với 98 băng đa hình chiếm 81,65% và trung bình có 11 băng đa hình/cặp mồi. Hệ số tương đồng di truyền dựa trên chỉ số DICE biến thiên từ 0,560 (LH05/0822 và PB260) đến 0,991 (LH05/0871 và LH05/0841); điều này có nghĩa khoảng cách di truyền biến thiên từ 0,009 đến 0,440, trung bình là 0,231. Hệ số đa dạng gene Shannon và hệ số dị hợp tử trung bình lần lượt là 0,328 và 0,176, điều này cho thấy con lai của hai tổ hợp biến thiên di truyền khá rộng. Kết quả phân tích nguồn biến lượng di truyền phân tử AMOVA cho thấy biến lượng di truyền do sự khác biệt giữa các cá thể trong quần thể chiếm 62% và giữa hai tổ hợp lai là 38% tổng biến lượng. Phân nhóm di truyền bằng phương pháp UPGMA cho thấy các con lai chia làm 2 nhóm di truyền chính (ở mức tương đồng di truyền 0,75), nhưng các con lai phân bố rải rác không phụ thuộc vào tổ hợp lai.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-08-12
Chuyên mục
BÀI NGHIÊN CỨU