Nguyên lý đối thoại trong thi pháp học của Mikhail Bakhtin

  • Phan Trọng Hoàng Linh
Từ khóa: nguyên lý đối thoại, thi pháp học, Bakhtin

Tóm tắt

Mikhail Bakhtin (1895 – 1975) là người có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử thi pháp học hiện đại trên thế giới. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, trong sự phát triển của thi pháp học ở nước ta, việc tiếp nhận ngày càng đầy đủ các quan điểm thi pháp học của Bakhtin có ý nghĩa quan trọng, góp phần định hình diện mạo thi pháp học Việt Nam trong gần bốn thập kỷ. Một trong những nền tảng thiết yếu cho lý thuyết của ông là nguyên lý đối thoại. Song, việc đặt nguyên lý đối thoại trong mối quan hệ có tính hệ thống với toàn bộ di sản học thuật của Bakhtin, đặc biệt là quan hệ giữa nó với nguyên lý carnaval, lại chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đi đến thống nhất. Bài viết này cố gắng định vị nguyên lý đối thoại trong cái nhìn hệ thống. Đối thoại trước hết là một nguyên lý ngôn ngữ học được đề xuất trên cơ sở phản biện lý thuyết ngôn ngữ học của F.D. Saussure. Nguyên lý
carnaval là cơ sở văn hóa để ứng dụng nguyên lý đối thoại vào lĩnh vực nghiên cứu văn học. Thông qua việc kết nối hai nguyên lý trên vào một hệ thống, Bakhtin muốn thúc đẩy việc nghiên cứu văn học theo hướng thi pháp học văn hóa. Vận dụng nguyên lý đối thoại để nghiên cứu tác phẩm của Dostoievski, ông phát hiện ra loại tiểu thuyết chưa từng xuất hiện trước đó: tiểu thuyết đa thanh. Loại tiểu thuyết này chứa đựng một cấu trúc mới trong mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật, mà nếu không dựa trên nguyên lý đối thoại, rất khó để hiểu được trọn vẹn giá trị tư tưởng của nó.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-08-28
Chuyên mục
ARTICLE - ARTS & HUMANITIES