Mối quan hệ giữa danh mục cho vay có rủi ro trên 30 ngày và tính bền vững các hoạt động tài chính vi mô Việt Nam

  • Trương Quang Thông
  • Phan Thanh Bình
  • Nguyễn Thanh Liêm
Từ khóa: Tài chính vi mô, danh mục cho vay có rủi ro, cấu trúc vốn, bền vững.

Tóm tắt

Bài viết này phân tích tác động của danh mục cho vay (DMCV) có rủi ro trên 30 ngày (PAR>30) đến tính bền vững các hoạt động (OSS) của các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) Việt Nam trong giai đoạn 2006–2019. Kết quả hồi qui với mô hình tác động cố định (FEM) và phương pháp moment tổng quát hệ thống (SGMM) cho thấy tác động tiêu cực của PAR>30 đến tính bền vững OSS ở mức ý nghĩa 1%. Điều này hàm ý rằng, DMCV có PAR>30 khi được kiểm soát tốt sẽ giúp các TCVM tăng cường tính bền vững OSS. Đáng chú ý, nghiên cứu còn cung cấp bằng chứng cho thấy việc sử dụng các nguồn vốn khác nhau (vốn chủ sở hữu, vốn tiết kiệm, vốn vay và nợ khác) đã làm thay đổi tác động tiêu cực của PAR>30 lên tính bền vững OSS và điều này cũng có sự khác biệt giữa các hoạt động TCVM tại Việt Nam so với Đông Nam Á. Kết quả hồi qui cho thấy, mối quan hệ của các biến tương tác giữa PAR>30 và vốn chủ sở hữu, vốn vay, nợ khác với tính bền vững OSS trong bối cảnh các hoạt động TCVM tại Việt Nam là tích cực (ở mức ý nghĩa 1%). Tuy nhiên, trong bối cảnh Đông Nam Á, các hệ số nói trên là âm và đủ ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Đối với nguồn vốn tiết kiệm, nhóm tác giả tìm thấy sự tương đồng giữa Việt Nam và Đông Nam Á khi tăng cường sử dụng nguồn vốn này đều làm giảm tác động tiêu cực của PAR>30 lên tính bền vững OSS. Các kết quả nghiên cứu này là cơ sở để nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm giúp các tổ chức TCVM tăng cường quản trị DMCV có rủi ro, có chính sách sử dụng các nguồn vốn hoạt động phù hợp, nâng cao tính bền vững.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-05-31
Chuyên mục
BÀI VIẾT