Đánh giá khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến Việt Nam dựa vào chỉ số hiệu quả kỹ thuật

  • Nguyễn Thị Cành
  • Lê Quang Minh

Tóm tắt

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, cụ thể áp dụng mô hình với dạng hàm sản xuất Cobb-Douglas và Translog theo phương pháp tham số (SFA) trên Stata 15 cùng với bộ dữ liệu điều tra các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp giai đoạn 2010–2016 đã tính toán được hiệu quả kỹ thuật (TE) của các doanh nghiệp, qua đó đánh giá khả năng cạnh tranh và so sánh khả năng cạnh tranh giữa các nhóm doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến Việt Nam nhìn chung sử dụng các đầu vào chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể có tiềm năng tăng doanh thu từ 8,9% đến 13,5% để đạt được hiệu quả cao nhất. Nói một cách khác, với kết quả đầu ra không đổi, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được từ 8,9% đến 13,5% các đầu vào. Tỷ lệ các doanh nghiệp có TE cao (TE>90%) theo phương pháp Translog chiếm tỷ lệ thấp với 25,23% tổng số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Điều này cho thấy, đa số các doanh nghiệp công nghiệp chế biến của Việt Nam có TE thấp, đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh thấp; các doanh nghiệp FDI có chỉ số TE cao nhất, cao hơn hiệu quả bình quân chung, và cao hơn các doanh nghiệp trong nước theo từng năm và theo các nhóm ngành. Ngược lại, các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong nước có chỉ số TE thấp nhất; các doanh nghiệp phía Nam có hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp miền Bắc và miền Trung; các doanh nghiệp tham gia xuất, nhật khẩu có TE cao hơn các doanh nghiệp chỉ tham gia thị trường nội địa, qua đó khẳng định các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu có khả năng cạnh tranh cao hơn.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-12-20
Chuyên mục
BÀI VIẾT