Thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất Thành phố Đà Lạt bằng phương pháp phân tích thứ bậc và hệ thông tin địa lý

  • Ngọc Thanh Lê
  • Quang Dũng Nguyễn
  • Siêu Nhân Nguyễn
  • Phi Hùng Nguyễn
  • Hải Tùng Lưu
Từ khóa: phương pháp phân tích thứ bậc AHP, Thành phố Đà Lạt, trượt lở đất

Tóm tắt

Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất Thành phố Đà Lạt đã được thành lập bằng phương pháp phân tích thứ bậc AHP và hệ thông tin địa lý. Mười ba yếu tố/nguyên nhân đã được lựa chọn sử dụng bao gồm độ dốc sườn, địa mạo, lưu vực sông – mật độ sông suối, thạch học - vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, cấu trúc địa động lực, đới ảnh hưởng động lực các đứt gãy chính, gia tốc nền, địa chất thủy văn, lượng mưa trung bình năm, hiện trạng sử dụng đất, mật độ xây dựng và hệ thống giao thông. Phân vùng nguy cơ trượt lở đất được kiểm chứng bằng cách so sánh với hiện trạng 214 địa điểm trượt lở đất đã phát hiện từ điều tra, khảo sát thực tế. Kết quả cho thấy 94.8% vị trí địa điểm trượt lở đất phát sinh trong các vùng nguy cơ từ trung bình đến rất cao. Các vùng có nguy cơ trượt lở đất từ rất thấp, thấp, trung bình, cao đến rất cao lần lượt chiếm 21.76%; 36.14%; 21.15%; 15.91% và 5.04% diện tích khu vực nghiên cứu. Độ dốc sườn > 25o, lượng mưa trung bình năm từ 1800 - 1900mm, mật độ xây dựng > 80% và hệ thống giao thông với bước đệm 20m được coi là các yếu tố/nguyên nhân chủ yếu trong phát sinh trượt lở đất trên địa bàn Thành phố Đà Lạt. Kết quả nghiên cứu là tài liệu khoa học và thực tiễn giúp các nhà quy hoạch và quản lý địa phương sử dụng hợp lý lãnh thổ
thành phố có tính đến điều kiện trượt lở đất trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-09-25
Chuyên mục
Bài viết