Bổ sung dẫn liệu phân tử và khảo sát đặc điểm nuôi trồng của chủng nấm Hương Sapa Lentinula edodes

  • Huyền Ái Thúy Lê
  • Đức Thuận Lao
  • Hoàng Mai Nguyễn
  • Hoàng Đại Phan
  • Trương Kiến Khương Nguyễn
  • Bình Nguyên Trương
Từ khóa: hình thái giải phẫu, ITSrDNA, giống nấm, Lentinula edodes, Sapa

Tóm tắt

Mẫu nấm Hương Sapa (Ký hiệu Len026) được thu hái tại vùng rừng núi xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 05 năm 2019 khi đang phát triển trên các thân cây lá
rộng mục. Các đặc điểm hình thái bên ngoài như màu nâu đỏ (khi ẩm ướt) chuyển sang vàng nâu, kèm các vết nứt nhẹ (khi khô) của mũ nấm cùng các vảy sợi trên bề mặt mũ, lớp thịt mũ mỏng, mép mũ cuộn khi non duỗi phẳng đến hơi vểnh lên khi già; Các đặc điểm hiển vi như cấu tạo dạng elip của bào tử và đặc biệt là sự tồn tại của các liệt bào cạnh (pleurocystidia) và liệt bào đỉnh (cheilocystidia) cho thấy mẫu nấm này mang khá nhiều đặc điểm pha trộn của cả 03 loài Lentinula edodes, Lentinula lateritia và Lentinula boryana, là những loài loài đã được nhận định có thể tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên, các dẫn liệu phân tích đoạn ITS rDNA cho mẫu nấm Hương trên lại cho thấy đây là loài Lentinula edodes. Giống thuần của chủng nấm này đã được phân lập từ mô thịt quả thể. Trong điều kiện nuôi trồng nhân tạo trên cơ chất mạt cưa gỗ cao su nấm sinh trưởng và phát triển rất tốt. Mặc dù hiệu suất sinh học của chủng Len026 còn khá thấp nhưng với các đặc điểm như: tốc độ tăng trưởng hệ sợi và quá trình nâu hóa hệ sợi nhanh cũng như khả năng hình thành mầm nấm rất mạnh cho thấy đây là một chủng nấm tiềm năng dùng làm nguyên liệu lai tạo giống nấm mới phục vụ công nghệ nuôi trồng nấm Hương của địa phương.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-09-25
Chuyên mục
Bài viết