Khả năng ức chế virus gây bệnh Gumboro trên gà 3 tuần tuổi của Interferon Alpha gà

  • Thị Thanh Giang Nguyễn
  • Quảng Đồ Hồ
  • Đăng Quân Nguyễn
Từ khóa: Interferon, Gumboro, gà, rChIFN-α

Tóm tắt

Các bệnh dịch do virus luôn là mối đe dọa thường xuyên và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam. Interferon alpha gà tái tổ hợp (rChIFN-α, recombinant chicken interferon alpha) đã được biểu hiện thành công trên hệ thống pichia pastoris và có hoạt tính kháng virus. Do vậy nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu xác định hiệu quả của rChIFN-α trên gà 3 tuần tuổi nhiễm virus Gumboro. Thí nghiệm tiến hành trên gà 3 tuần tuổi không có kháng thể kháng Gumboro. Gà sẽ được lây nhiễm virus Gumboro với liều 5×104 EDL50/con, sau 24 giờ lây nhiễm virus, gà được điều trị bằng cách sử dụng rChIFN-α nhỏ mắt/mũi với một trong các liều 0,1 µg/con; 1µg/con; 10µg/con hoặc 100 µg/con. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi điều trị bằng rChIFN-α 0,1 µg/con, tỉ lệ gà được bảo hộ và tỉ lệ gà sống tương ứng 46,7% và 80%; nhóm gà sử dụng rChIFN-α 1 µg/con, tỉ lệ gà được bảo hộ và tỉ lệ gà sống tương ứng 60,0% và 86,7%; hai nhóm gà được điều trị bằng rChIFN-α 10 µg/con và 100 µg/con có kết quả như nhau, tỉ lệ gà được bảo hộ và gà sống tương ứng 66,7% và 93,3%. Trong khi đó, nhóm đối chứng dương (gà nhiễm virus, không được điều trị), gà không được bảo hộ (tỉ lệ nhiễm bệnh là 100%) và tỉ lệ sống chỉ đạt 60,00%; đối chứng âm (gà không nhiễm virus, không xử lý với rChIFN) gà hoàn toàn không nhiễm bệnh và tỉ lệ sống 100%. Điều này đã chứng minh rChIFN-α có hiệu quả sử dụng trong điều trị bệnh Gumboro trên gà và hiệu quả này phụ thuộc liều sử dụng. Thêm nữa, hiệu giá kháng thể của gà trong thí nghiệm cho thấy, sự đáp ứng miễn dịch của gà trong các nhóm sử dụng rChIFN-α cũng không khác biệt so với gà chỉ nhiễm virus Gumboro, cho thấy rChIFN-α không gây ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của gà.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-05-10
Chuyên mục
Bài viết