Thực trạng căng thẳng nghề nghiệp của điều dưỡng viên tại Bệnh viện Bưu Điện năm 2023

  • Nguyễn Thị Thùy Linh , Đỗ Minh Sinh , Nguyễn Thúy Nga Bệnh viện Bưu điện
Từ khóa: Căng thẳng nghề nghiệp, điều dưỡng viên

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả thực trạng căng thẳng nghề nghiệp và các yếu tố liên quan của điều dưỡng viên tại Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội năm 2023. Phương pháp: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện từ 3-8/2023. Đối tượng nghiên cứu là 322 điều dưỡng trực tiếp thực hiện các hoạt động chăm sóc người bệnh. Công cụ đánh giá tình trạng căng thẳng là bản rút gọn của thang đo The Nursing Stress Scale và sử dụng hồi quy logistic để phân tích mối liên quan với tình trạng căng thẳng. Kết quả: Tỷ lệ điều dưỡng có mức độ căng thẳng thấp chiếm 51,9%, mức độ căng thẳng trung bình chiếm 47,5%, mức độ căng thẳng cao chiếm tỷ lệ 0,6%; tỷ lệ điều dưỡng có căng thẳng 48,1%. Trong đó áp lực công việc hàng ngày được đánh giá căng thẳng với giá trị trung bình cao nhất là 2,28, tiếp đến là làm việc với người bệnh hung hăng/bạo lực, lăng mạ/sỉ nhục và tiếp xúc với những nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn của bản thân có điểm trung bình là 2. Giới tính và số buổi trực/tháng có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với căng thẳng nghề nghiệp của điều dưỡng (p < 0,05). Kết luận: Tình trạng căng thẳng là khá phổ biến ở các điều dưỡng chăm sóc người bệnh. Đặc biệt là ở nữ giới và những điều dưỡng phải trực > 6 buổi/tháng. Cần xây dựng môi trường làm việc an toàn, thoải mái cho điều dưỡng. Cung cấp hỗ trợ đào tạo để điều dưỡng ứng phó với căng thẳng nghề nghiệp.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-10-30