NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG CÁC MÔ HÌNH DU LỊCH TRỌNG ĐIỂM DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TỈNH AN GIANG

  • Đào Ngọc Cảnh
  • Lê Thị Tố Quyên
  • Nguyễn Thị Mỹ Duyên

Abstract

Nghiên cứu này nhằm vận dụng lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn phát triển du lịch cộng đồng để xây dựng và triển khai mô hình thí điểm du lịch cộng đồng ở tỉnh An Giang. Từ đo , đề xuất giải pháp khai thác hợp lý và bền vững tài nguyên du lịch, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương, nâng cao sự hài lòng của du khách. Nghiên cứu được thực hiện bằng các phương pháp như: khảo sát thực tế; thu thập và phân tích dữ liệu thứ cấp, điều tra bằng bảng hỏi và xử lý dữ liệu sơ cấp với 500 mẫu, bao gồm 200 mẫu khách du lịch nội địa, 100 mẫu khách du lịch quốc tế, 200 mẫu người dân địa phương. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng phương pháp tham vấn với 30 mẫu để lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý địa phương và đại diện các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉnh An Giang có nguồn tài nguyên du lịch là rất đa dạng, phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế sự phát triển du lịch cộng đồng còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Trên cơ sở khảo sát thực tế và phân tích các tiêu chí, nghiên cứu đã lựa chọn huyện Tịnh Biên làm địa bàn trọng điểm để xây dựng và triển khai mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng tỉnh An Giang với sự tham gia của các hộ dân cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan và trải nghiệm cảnh quan tự nhiên và đời sống văn hóa cộng đồng, tham quan làng nghề, thưởng thức món ăn đặc sản địa phương, văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Khmer v.v… Mô hình du lịch tại huyện Tịnh Biên đã được thử nghiệm với sự tham gia của hai đoàn khách du lịch và được đánh giá khá tốt. Ngoài ra, đã có 2 đoàn khách nước ngoài đi theo gia đình đến du lịch. Bước đầu mô hình du lịch cộng đồng đã tạo niềm tin cho các hộ dân, tạo được sinh kế  và thu nhập, góp phần bảo tồn môi trường tự nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.
điểm /   đánh giá
Published
2019-12-31