Biến cố trên thận và trên thính giác trong điều trị lao đa kháng ghi nhận qua hoạt động giám sát tích cực tại Việt Nam

  • Nguyễn Thị Thủy
  • Cao Thị Thu Huyền
  • Nguyễn Bảo Ngọc
  • Dương Văn Quang
  • Vũ Đình Hòa
  • Nguyễn Hoàng Anh
  • Nguyễn Viết Nhung

Tóm tắt

Thuốc chống lao đường tiêm bao gồm các kháng sinh nhóm aminoglycosid và capreomycin đã và đang là một trong những nhóm thuốc chính trong phác đồ điều trị lao đa kháng (MDR-TB). Tuy nhiên, đây cũng là nhóm thuốc được ghi nhận có liên quan đến nhiều biến cố bất lợi (AE) trong điều trị MDR-TB, trong đó đáng chú ý nhất là phản ứng trên thận và trên thính giác bởi mức độ nghiêm trọng và hậu quả trên bệnh nhân của các biến cố này. Biến cố trên thận thường gặp, có thể hồi phục, nhưng cũng đôi khi đe dọa tính mạng bệnh nhân. Biến cố trên thính giác thường để lại di chứng cho bệnh nhân, thậm chí dẫn đến mất thính lực không hồi phục. Tại Việt Nam, tỷ lệ báo cáo liên quan các thuốc điều trị lao đa kháng còn thấp, chưa phản ánh được tần suất thực tế và ảnh hưởng của biến cố bất lợi khi sử dụng các thuốc điều trị MDR-TB, trong đó có biến cố trên thận và trên thính giác. Trong khuôn khổ một chương trình theo dõi biến cố thuần tập (CEM) được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam để giám sát các biến cố bất lợi trên bệnh nhân MDR-TB, nghiên cứu này đã được thực hiện với mục tiêu: "Khảo sát tần suất gặp, đặc điểm của biến cố trên thận, biến cố trên thính giác trong điều trị lao đa kháng và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện các biến cố trên".

            Đối tượng nghiên cứu

- Tiêu chuẩn lựa chọn: Bệnh nhân ≥ 16 tuổi được chẩn đoán và khởi đầu điều trị MDR-TB tại 9 cơ sở trọng điểm của CT. Chống Lao Quốc gia trong thời gian từ tháng 4/2014 đến hết tháng 12/2014.

- Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân đang tham gia nghiên cứu lâm sàng có liên quan đến thử nghiệm thuốc.

Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu quan sát - theo dõi biến cố thuần tập.

- Thu nhận thông tin ban đầu và theo dõi bằng mẫu phiếu thiết kế sẵn.

- Xử lý số liệu: Bằng phần mềm Microsoft Access 2010, SPSS Statistics 22, R 3.4.4.

            Kết quả

            Qua quá trình theo dõi 659 bệnh nhân điều trị MDR-TB tại 9 cơ sở trọng điểm của Chương trình Chống lao Quốc gia, tỷ lệ bệnh nhân được ghi nhận xuất hiện biến cố trên thận là 7,4% và biến cố trên thính giác là 15,2%. Trong đó, các trường hợp nghiêm trọng nhất bao gồm 1 bệnh nhân tử vong và 7 bệnh nhân bị mất thính lực không hồi phục. Hai loại biến cố đều có xu hướng xảy ra trong khoảng 6 tháng điều trị đầu tiên, nhưng các biến cố nghiêm trọng trên thính giác vẫn được ghi nhận kể cả sau khi đã ngừng thuốc tiêm một khoảng thời gian. Bệnh nhân nghiện rượu, tiền sử suy thận, đái tháo đường và sử dụng liều thuốc tiêm cao là những đối tượng có nguy cơ gặp biến cố trên thận cao hơn. Tiền sử bệnh thính giác và liều thuốc tiêm trung bình là các yếu tố làm gia tăng nguy cơ gặp biến cố trên thính giác ở bệnh nhân MDR-TB. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự cần thiết của việc khai thác tối đa thông tin ban đầu của bệnh nhân trước khi điều trị MDR-TB. Bên cạnh đó, việc theo dõi chức năng thận và đo thính lực cần được đưa vào quy trình giám sát định kỳ nhằm phát hiện kịp thời và hạn chế hậu quả của biến cố bất lợi, tạo tiền đề cho những nghiên cứu chuyên sâu về đánh giá độ an toàn của phác đồ điều trị MDR-TB có sử dụng nhóm thuốc tiêm.    

 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-12-27
Chuyên mục
BÀI BÁO