Ứng dụng kỹ thuật DNA barcoding trong định danh một số giống đương quy đang lưu hành tại Việt Nam

  • Phạm Thị Minh Tâm
  • Hồ Xuân Hương
  • Lê Khánh Trúc Diễm
  • Nguyễn Ngọc Vinh
  • Nguyễn Văn Thanh

Tóm tắt

Rễ củ đương quy còn gọi là tần quy hay vân quy, Radix Angelicae sinensis, là một vị thuốc quý trong Đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ đồng thời có trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh khác. Hiện nay, có 3 dược liệu được dùng phổ biến dưới tên đương quy, trong đó Radix Angelicae sinensis được gọi là đương quy Trung Quốc và được ghi trong các chuyên luận của Dược điển Trung Quốc, DĐ Châu Âu, Anh; đương quy Nhật Bản - Angelica acutiloba Kitagawa (Angelicae Radix) trong Dược điển Nhật và đương quy Hàn Quốc là Angelica gigas Nakai trong Dược điển Hàn Quốc. Dược liệu đương quy được nhập về Việt Nam chủ yếu là từ Trung Quốc nhưng không chắc chắn là loài nào. Ngoài ra, đương quy được di thực trồng ở một số địa phương và đặc biệt rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của một số tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Dược điển Việt Nam IV cũng đã đưa 2 chuyên luận dược liệu mang tên Đương quy (Angelica sinensis) và Đương quy di thực (Angelica acutiloba). Mục tiêu của nghiên cứu này là ứng dụng kỹ thuật DNA barcoding để xác định chính xác danh pháp khoa học các dược liệu đương quy đang được sử dụng tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong việc lựa chọn nguyên liệu sản xuất hoặc gieo trồng dược liệu.

Nguyên liệu

Rễ củ khô, rễ củ tươi đương quy Trung Quốc; rễ củ khô, rễ củ tươi đương quy Nhật Bản, đương quy Hokkaido khô, dạng hạt; đương quy Obuka khô, dạng hạt. Ngoài ra còn một số dược liệu khác.

Phương pháp nghiên cứu

- Chiết tách DNA và khuếch đại gen bằng phản ứng PCR: Dược liệu tươi được làm khô bằng cách phơi trong bóng râm. Dược liệu khô được xay mịn bằng cối xay ở nhiệt độ phòng. Tách chiết DNA bằng bộ KIT tách chiết Dneasy plant Mini Kit của Qiagen.

- Giải trình tự và phân tích kết quả: Giải trình tự tại CT. Nam Khoa bằng phương pháp Sanger trên máy 3130XL của AIB. Trình tự DNA thu được contigbằng DNA STAR, tra cứu trên NCBI, cây phát sinh loài được xây dựng  trên MEGA 6. Giá trị tin cậy của cây phát sinh loài thu được được đánh giá bởi phân tích bootstrap.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các cây đương quy di thực giống Nhật Bản trồng tại Việt Nam là đúng tên khoa học, đúng loài và trùng khớp DNA với các dược liệu đang bán tại Nhật Bản. Các cây đương quy giống Trung Quốc trồng tại Đà Lạt và Hà Giang được định danh là Levisticum offcicinale. Tuy nhiên, về hình thái và trình tự DNA chúng lại rất giống với Angelica sinensis nên rất dễ gây nhầm lẫn.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-04-23
Chuyên mục
BÀI BÁO