Bổ sung loài cẩm cù num (Hoya nummularioides Costantin) cho hệ thực vật Việt Nam

  • Hà Vân Oanh
  • Nguyễn Hoàng Tuấn
  • Chử Thị Thanh Huyền

Tóm tắt

Chi Cẩm cù (Hoya R. Br.) thuộc họ Trúc đào, Thiên lý (Apocynaceae, Asclepiadoideae) đã được công bố trên 200 loài phân bố từ Đông Nam Á tới rừng nhiệt đới Thái Bình Dương và Queensland. Chi Cẩm cù phân bố đa dạng nhất ở các nước New Guinea, Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. Cho tới thời điểm này Việt Nam đã công bố 24 loài cẩm cù. Trong đợt điều tra cây thuốc ở Đắk Lắk, có phát hiện loài Hoya nummularioides Costantin. Người dân địa phương gọi loài này là cẩm cù num. Qua tra cứu các tài liệu, nhận thấy loài này có phân bố ở tỉnh Kampot thuộc Campuchia và các tỉnh Savannakhet, Bassac và Sainyabuli thuộc Lào, độ cao 200 m mà chưa có công bố nào có ở Việt Nam. Bài báo này ghi nhận phân bố của loài cẩm cù num (Hoya nummularioides Costantin) ở Việt Nam. Đây là một loài mới thuộc chi Hoya R. Br. ở Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

- Nghiên cứu đặc điểm hình thái của mẫu nghiên cứu tại thực địa và trong phòng thí nghiệm theo phương pháp trong tài liệu.

- Phân tích và chụp ảnh cây, hoa bằng máy ảnh kỹ thuật số Nikon D300s, raynox 250.

- Xác định tên khoa học bằng phương pháp so sánh, đối chiếu đặc điểm hình thái với các tài liệu: các bộ thực vật chí và đối chiếu với các mẫu của Phòng Tiêu bản Thực vật - Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Dược liệu Hà Nội.

Kết quả

            Kết quả nghiên cứu đã bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam một loài cẩm cù num mới: Hoya nummularioides Costantin. Loài đặc trưng bởi phiến lá hình tim thuôn dài, phân gốc là tròn hình trứng, không thấy gân lá, tràng hoa màu trắng kem, mặt trên cánh hoa có lớp lông mịn, dày đặc, hai khối phấn gắn chung một đế hình chữ V hay cánh ruồi. Loài Hoya nummularioides Costantin phân bố ở vườn quốc gia Yok Don, xã Krong Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Hiện chưa có nghiên cứu về loài cẩm cù num này, do vậy cần nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, giá trị sử dụng cũng như khả năng nhân trồng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-06-09
Chuyên mục
BÀI BÁO