Bán tổng hợp và đánh giá tác động bảo vệ của 3,3’,4’,7-tetra-O-acetylquercetin sử dụng mô hình suy giảm trí nhớ dài hạn trên chuột nhắt trắng

  • Trần Phi Hoàng Yến
  • Trần Thị Kiều Diễm
  • Trần Thành Đạo

Tóm tắt

Suy giảm trí nhớ (SGTN) là bệnh lý liên quan đến quá trình thoái hóa lâu dài tế bào thần kinh, gây ra xáo trộn cuộc sống thường ngày, làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Về cơ chế bệnh lý, SGTN là do sự tổn thương và chết các tế bào thần kinh, do đó thường xảy ra với người cao tuổi. Tuy nhiên, căng thẳng, stress, ô nhiễm môi trường, thực phẩm không sạch ngày càng tấn công vào đời sống, sinh hoạt của con người trong xã hội hiện đại, khiến cho SGTN ngày càng xuất hiện ở những độ tuổi sớm hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, bệnh SGTN vẫn chưa hoàn toàn được điều trị, các thuốc kháng cholinesterase: tacrin, donepezil, galantamin, memantin hoặc các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên như: Ginkgo biloba, Estrogens, Selegilin, và Vitamin E có tác dụng hỗ trợ cho điều trị. Gần đây, nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của quercetin, một hợp chất có cấu trúc flavonoid, một nhóm hợp chất lớn có nguồn gốc thiên nhiên trong việc bảo vệ sự tổn thương não, có hiệu quả tích cực cho bệnh SGTN. Trong nghiên cứu này, hợp chất 3,3',4',7- tetra-O-acetylquercetin, một dẫn chất của quercetin đã được bán tổng hợp và đánh giá tác động chống SGTN thông qua mô hình chuột nhắt trắng bị SGTN bằng trimethyltin.

Phương pháp nghiên cứu

- Bán tổng hợp dẫn chất quercetin 3,3',4',7- tetra-O-acetylquercetin (DCQ). Ghi phổ UV, IR và 1HNMR của DCQ để kiểm tra cấu trúc.

- Thử nghiệm đánh giá trí nhớ dài hạn - mê cung bơi: Theo mô hình được khảo sát bởi các tác giả Trần Phi Hoàng Yến và CS., 2012.

- Áp dụng trimethyltin làm chất gây suy giảm trí nhớ.

Kết quả

            Mô hình gây suy giảm trí nhớ bằng trimethyltin đã được nhiều công trình nghiên cứu công bố, và đã được chứng minh trên giống chuột Swiss albino trong điều kiện thực nghiệm tại Việt Nam có thể gây SGTN sau 3 đến 7 ngày tiêm phúc mạc TMT 2,4 mg/kg. Áp dụng dẫn chất của quercetin: 3,3',4',7- tetra-O-acethylquercetin với 4 liều: DCQ 25, 50, 75 và 100 mg/kg thể trọng chuột, đánh giá bằng mô hình thử trí nhớ dài hạn mê cung bơi (Morris water maze) đã chứng tỏ cả 4 liều DCQ đều có khả năng chống sự SGTN do TMT gây ra, tuy nhiên hiệu quả điều trị không gia tăng tuyến tính theo sự tăng liều. Kết quả đã chứng tỏ DCQ có tiềm năng trong việc bảo vệ não chống lại sự SGTN, tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu in vivo để tối ưu hóa liều và liệu trình trị liệu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-06-09
Chuyên mục
BÀI BÁO