So sánh phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao và vi sinh để định lượng itraconazol trong viên nang

  • Trần Trịnh Công
  • Nguyễn Đăng Hòa
  • Nguyễn Văn Long

Tóm tắt

Itraconazol (ITZ) là một kháng sinh kháng nấm, thuộc nhóm triazol, được chỉ định trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm toàn thân, nhiễm nấm bề mặt ở người bình thường hoặc bị suy giảm miễn dịch. Các phương pháp xác định ITZ trong chế phẩm thường được sử dụng là sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) và đo quang phổ hấp thụ tử ngoại (UV). Cho tới nay ở Việt Nam, phương pháp vi sinh chưa được sử dụng để định lượng ITZ trong chế phẩm. Phương pháp vi sinh có thể cho biết các thay đổi nhỏ, không thể chứng minh được bằng phương pháp hóa học. Quan trọng hơn, phương pháp này cho phép đánh giá được hoạt lực, một yếu tố rất quan trọng trong phân tích thuốc kháng sinh. Mục tiêu của đề tài này là xây dựng phương pháp vi sinh để xác định hoạt lực của ITZ trong viên nang. Đồng thời, để đánh giá khả năng áp dụng của phương pháp vi sinh trong thực tế, so sánh độ chính xác với phương pháp HPLC.

Phương pháp nghiên cứu

+ Xây dựng và thẩm định phương pháp HPLC.

+ Phương pháp vi sinh:

- Lựa chọn mô hình đường thẳng song song, thử nghiệm 3 liều, một chế phẩm thử, thiết kế thí nghiệm ngẫu nhiên theo khối, không lặp. Khảo sát định lượng kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán dùng hộp petri theo các yếu tố: khoảng nồng độ thử, chủng vi sinh vật, môi trường kiểm định, nhiệt độ và thời gian nuôi cấy.

- Hoạt lực ITZ của mẫu thử được tính toán thống kê theo mô hình đường thẳng song song và phân tích hồi qui, được thẩm định bằng phân tích phương sai, xác định tính có giá trị của thử nghiệm, định giá hoạt lực và giới hạn tin cậy.

Kết quả nghiên cứu

Hàm lượng ITZ trong mẫu pellet viên nang nghiên cứu được xác định bằng 2 phương pháp vi sinh và HPLC là khác nhau không có ý nghĩa thống kê. Phương pháp vi sinh tuy có độ chính xác thấp hơn so với HPLC nhưng vẫn đảm bảo độ đúng của phép định lượng với chi phí thấp hơn. Đồng thời, phương pháp vi sinh có thể cho biết hiện trạng hoạt lực của ITZ trong viên nang. Chính vì vậy, nên cân nhắc ứng dụng phương pháp này trong việc xác định hàm lượng ITZ trong chế phẩm.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-09-30
Chuyên mục
BÀI BÁO