Giới thiệu về Tạp chí

TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

26/10/2012

TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1983 - 2013)

                                                                                                                                              Nguyễn Ngọc Hà*              

1. Quá trình hình thành và phát triển

Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; là cơ quan báo chí, cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng thời là Diễn đàn khoa học của giới nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực khoa học xã hội. Tạp chí có chức năng công bố, giới thiệu và thông tin những kết quả nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước; bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Tiền thân của Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam là Tạp chí ba thứ tiếng (Nga-Anh-Pháp). Tạp chí được thành lập và hoạt động theo Công văn số 511/THTW ngày 10 tháng 10 năm 1983 của Ban Tuyên huấn Trung ương và Quyết định số 125/KHXH-QĐ ngày 06 tháng 4 năm 1984 của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.(*)Năm 2001, Tạp chí có tên là Tạp chí Việt Nam Khoa học xã hội theo Giấy phép hoạt động báo chí số 143 GP - BVHTT ngày 17 tháng 4 năm 2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin. Năm 2003, Tạp chí Việt Nam Khoa học xã hội bằng tiếng Việt được xuất bản theo Công văn số 1131/VHTT-BC ngày 25 tháng 3 năm 2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin. Năm 2006, Tạp chí đổi tên là Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam theo Giấy phép số 35/GP-SĐBS ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin. Ngày 02 tháng 12 năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp mới Giấy phép hoạt động báo chí số 2059/GP-BTTTT đối với Tạp chí. Hiện nay, Tạp chí hoạt động theo Giấy phép hoạt động báo chí in số 114/GP-BTTTT ngày 22 tháng 4 năm 2013 và Giấy phép sửa đổi, bổ sung những quy định trong giấy phép hoạt động báo chí in số 226/GP-BTTTT ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Tính đến nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển. Trong những năm đầu thành lập, Tạp chí xuất bản những số đầu tiên bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Năm 1984-1985, Tạp chí xuất bản 6 tháng/ kỳ. Các năm 1986-1989, Tạp chí ra 3 tháng/ kỳ. Từ 1990 đến 2004, Tạp chí xuất bản 2 tháng/kỳ chủ yếu bằng tiếng Anh. Tạp chí tiếng Nga chỉ xuất bản được 2 kỳ vì biến động của tình hình Liên Xô lúc đó. Theo thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí được Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô tài trợ kinh phí, đào tạo cán bộ và tổ chức in ấn. Khi Liên Xô sụp đổ, thỏa thuận này không được thực hiện và từ đó Tạp chí không xuất bản bằng tiếng Nga. Năm 2003, Tạp chí bằng tiếng Việt ra đời. Các năm 2003-2011, Tạp chí mỗi năm xuất bản 2 tháng/kỳ tiếng Việt, 2 tháng/kỳ tiếng Anh. Từ năm 2012 đến nay, Tạp chí xuất bản 1 tháng/kỳ tiếng Việt, 2 tháng/kỳ tiếng Anh.

Cơ cấu tổ chức của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Theo Quyết định số 269/QĐ-KHXH ngày 27tháng 2 năm 2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí có 3 phòng chuyên môn: Phòng Biên tập, Phòng Biên dịch, Phòng Thư ký - Tòa soạn; 4 phòng chức năng, nghiệp vụ: Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Phòng Thông tin - Thư viện, Phòng Trị sự và
Phát hành.

Ngay từ khi mới thành lập, nhiều nhà khoa học có uy tín được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập. Từ 1984 đến 1985, GS. Đào Văn Tập, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập; GS. Hồ Tôn Trinh và PGS. Bùi Đình Thanh là Phó Tổng Biên tập. Từ 1986 đến 1988, Tổng Biên tập là GS. Bùi Đình Thanh. Trong các năm 1986 đến 1990, GS. Phạm Như Cương, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, kiêm phụ trách Tạp chí. Từ 1991 đến 2000, Tổng biên tập là GS. Phạm Xuân Nam. Ông Nguyễn Hữu Thùy là Phó Tổng Biên tập từ 1989 đến 2000. Từ năm 2001 trở lại đây, các thế hệ Tổng Biên tập là: PGS.TS. Lê Đình Cúc, TS. Vi Quang Thọ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà; các Phó Tổng biên tập là PGS.TS. Tạ Kim Ngọc, TS. Ngô Văn Vũ. Nguồn nhân lực của Tạp chí không ngừng tăng cường về số lượng và chất lượng qua các giai đoạn phát triển. Hiện nay, Tạp chí có 20 cán bộ, viên chức. Trong đó, có 3 Phó Giáo sư, Tiến sĩ; 2 Tiến sĩ; 7 Thạc sĩ thuộc các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn.

2. Những thành tựu cơ bản

Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển. Tính đến tháng 9 năm 2013, Tạp chí đã xuất bản được 158 số tiếng Anh và 69 số tiếng Việt. Tạp chí tiếng Việt phát hành trong phạm vi cả nước. Địa chỉ phát hành của Tạp chí tiếng Anh là các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các bạn đọc và các thư viện trên thế giới. Hiện nay, Tạp chí tiếng Anh có hơn 20 địa chỉ phát hành ở nước ngoài (chủ yếu ở Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Canada, Niu Dilân, Philippin, Thái Lan, Nga, Trung Quốc).

Các bài đăng Tạp chí là những bài do tác giả khoa học trong và ngoài nước trực tiếp gửi đến; ngoài ra Tạp chí còn tuyển chọn những bài nghiên cứu có giá trị đã đăng tải ở các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Từ 2009, Tạp chí tiếng Việt chỉ đăng  những bài nghiên cứu mới. Những vấn đề được đăng tải chủ yếu là những đề tài của Việt Nam. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và những nhà khoa học có uy tín về khoa học xã hội và nhân văn đã có bài đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.

Trong mỗi số, Tạp chí đăng tải một lượng lớn các bài viết nghiên cứu (khoảng 12-13 bài) của các nhà khoa học Việt Nam và nhiều nhà khoa học nước ngoài đề cập đến các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như Triết học, Chính trị học, Kinh tế học, Xã hội học, Luật học, Tâm lý học, Lịch sử, Khảo cổ học, Dân tộc học,  Ngôn ngữ học, Văn học, Văn hóa. Trong đó, có nhiều số chuyên đề, như các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh của Người (1890-1990), 50 năm Cách mạng tháng Tám, 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 25 năm giải phóng miền Nam, dân tộc, tôn giáo, phụ nữ và gia đình, toàn cầu hóa, v.v.. Ngoài ra, Tạp chí đã phối hợp với các cơ quan, địa phương trong cả nước tổ chức các số hợp tác chuyên san như: Hà Nội 1000 năm Thăng Long, 200 năm thành phố Hồ Chí Minh, Không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, Dân ca Ví - Giặm Nghệ-Tĩnh. Đặc biệt, Tạp chí đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào tổ chức số hợp tác chuyên san về đất nước Lào. Các bài viết nghiên cứu đăng tải đã chỉ rõ những vấn đề về lịch sử dân tộc và đất nước Việt Nam, về giá trị truyền thống và chủ nghĩa yêu nước Việt Nam qua những biến cố lịch sử, tiểu sử và cống hiến của các anh hùng dân tộc. Nhiều bài nghiên cứu với trình độ ngày càng sâu sắc về những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí còn chú trọng đăng tải những bài nghiên cứu vận dụng quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để lý giải những vấn đề lớn của dân tộc, của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những năm Đổi mới, Tạp chí đã đăng nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, tin học và nhiều chủ đề khác.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử văn hóa, văn học, văn học dân gian, dân tộc học; đã góp phần làm rõ những khái niệm văn minh, văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc của văn hóa; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm giữ gìn bản sắc và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Ngoài việc công bố các công trình Nghiên cứu khoa học mang tính chất tổng kết lý luận, Tạp chí còn có nhiều bài phân tích, lý giải những vấn đề cấp bách do cuộc sống đặt ra. Đó là những vấn đề về đổi mới tư duy, đổi mới quan hệ sản xuất, đổi mới lực lượng sản xuất, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và bảo vệ môi trường, về tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, về toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường, về hệ thống chính trị, về dân chủ, công bằng, tự do và nhiều vấn đề khác.

Ngoài số trang cần thiết cho nghiên cứu và lý luận, Tạp chí  đã dành một số trang cho chuyên mục Tư liệu. Tạp chí đã cung cấp nhiều tư liệu về kinh tế, văn hóa, lịch sử; về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mục này cũng đăng tải nhiều tư liệu quý về các nhà khoa học và văn hóa Việt Nam; tư liệu về các dân tộc ở Việt Nam, về các Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn).

Chuyên mục giới thiệu sách và đọc sách đã giới thiệu những cuốn sách mới xuất bản nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam. Các bài Giới thiệu sách đều có ghi rõ những yếu tố cần thiết cho người đọc cần tìm. Trong mục đọc sách, Tạp chí đã giới thiệu hàng trăm cuốn sách có chất lượng. Mục này cũng được dư luận bạn đọc hoan nghênh.

Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam luôn luôn gắn liền công tác báo chí với nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Các cán bộ của Tạp chí đã nghiên cứu và cho xuất bản gần 100 công trình khoa học ở các nhà xuất bản có uy tín. Trong số đó, một số công trình của Hoàng Trinh, Bùi Đình Thanh, Phạm Xuân Nam đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Một số công trình của các tác giả Lê Đình Cúc, Tạ Kim Ngọc, Nguyễn Ngọc Hà được sử dụng làm giáo trình giảng dạy trong các trường đại học. Ngoài ra, các cán bộ của Tạp chí cũng đã thực hiện 7 đề tài khoa học cấp Bộ, 10 đề tài và nhiệm vụ cấp Viện, tham gia thực hiện đề tài cấp nhà nước và các đề tài nghiên cứu khoa học với một số địa phương trong nước và các đề tài hợp tác quốc tế. Nhiều cán bộ của Tạp chí cũng đồng thời tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học và hướng dẫn hàng chục luận văn cao học và hàng chục luận án tiến sỹ. Một hoạt động khác của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam là hợp tác quốc tế. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức và cá nhân ở ngoài nước (như Lào,
Nhật Bản...).

Trong 30 năm qua, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Năm 2003, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác, đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc (QĐ số 79/KT ngày 23 tháng 12 năm 2003). Năm 2004, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích góp phần xây dựng và phát triển Khoa học xã hội Việt Nam (QĐ số 92/KT ngày 24 tháng 9 năm 2004). Năm 2007, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc (QĐ số 29/KT ngày 9 tháng 1 năm 2008). Năm 2009, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng danh hiệu thành tích lao động xuất sắc (QĐ số 31/QĐ-KHXH ngày 12 tháng 1 năm 2010); Viện Khoa học xã hội Việt Nam tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc. Công đoàn Tạp chí được Viện KHXH Việt Nam tặng Bằng khen Công đoàn vững mạnh xuất sắc các năm 2008, 2009. Năm 2010 Tạp chí đã được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng. Năm 2012, Tạp chí được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc; Chi bộ Tạp chí được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh.

3. Định hướng phát triển Tạp chí Khoa học xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trở thành một trong những tạp chí hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực khoa học xã hội; dần từng bước đáp ứng tiêu Chuẩn quốc tế về tạp chí khoa học. Để đạt mục tiêu đó, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam quán triệt những quan điểm sau đây: Thứ nhất, phát huy vai trò của Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn đàn khoa học liên ngành, đa ngành của giới nghiên cứu khoa học xã hội trong cả nước mà các tạp chí khác thuộc các viện chuyên ngành trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không thay thế được; thực hiện đúng chức năng của Tạp chí là công bố, giới thiệu và thông tin những kết quả nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước; bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thứ hai, không ngừng nâng cao chất lượng các bài viết đăng tải trên Tạp chí. Tạp chí phải khẳng định được sự tồn tại và vai trò của mình trong xã hội. Với tư cách là tạp chí nghiên cứu khoa học của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí phải có tính khoa học cao, đồng thời gắn với những vấn đề của thực tiễn Việt Nam để góp phần nâng cao dân trí, góp phần cung cấp căn cứ lý luận và thực tiễn cho việc hoạch các chính sách phát triển đất nước. Với quan điểm đó, định hướng phát triển Tạp chí Khoa học xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

Thứ nhất, công bố kịp thời những kết quả nghiên cứu khoa học xã hội theo định hướng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Tạp chí chú trọng công bố những công trình nghiên cứu về các vấn đề của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn và hội nhập quốc tế dưới tác động của toàn cầu hoá; về các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta giai đoạn 2011-2020; về các vấn đề trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ hai, kiện toàn tổ chức bộ máy của Tạp chíTrong giai đoạn tới, Tạp chí bổ sung, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới. Tạp chí phấn đấu có 35 cán bộ vào năm 2020, có 45 cán bộ vào năm 2030. Cơ cấu tổ chức của Tạp chí gồm có 1 Tổng Biên tập, 3 Phó Tổng Biên tập; Hội đồng Biên tập, Hội đồng Khoa học, 4 Phòng chuyên môn (Phòng Biên tập, Phòng Biên dịch, Phòng Tạp chí điện tử, Phòng Thư ký -Tòa soạn), 6 Phòng chức năng, nghiệp vụ (Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Phòng Thông tin - Thư viện, Phòng Trị sự và Phát hành, Phòng Chế bản, Phòng Quản trị mạng). Mỗi phòng có từ 3 đến 6 cán bộ.

Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ. Để đạt được mục tiêu đề ra, việc đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là điều kiện quyết định. Các cán bộ biên tập của Tạp chí không chỉ cần có khả năng làm công tác biên tập mà còn cần có khả năng viết bài nghiên cứu và thông tin cho Tạp chí. Cán bộ của Tạp chí cần đảm nhận phần chủ yếu hoặc toàn bộ các công việc của Tạp chí như dịch, hiệu đính, biên tập, chế bản. Tạp chí cần có kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ của mình; kết hợp đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước với sự tự đào tạo qua thực tế công việc. Có chính sách khuyến khích để đến năm 2015 có 70% cán bộ đạt trình độ thạc sĩ, trong đó 100% cán bộ biên tập đạt trình độ thạc sĩ; đến 2020 có 100% cán bộ biên tập đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Thứ tư, tích cực xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Một điều kiện không thể thiếu được để bảo đảm cho sự hoạt động và phát triển của Tạp chí là việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên, nhất là cộng tác viên viết bài cho Tạp chí. Phần lớn bài đăng trên Tạp chí là bài viết của các cộng tác viên. Nếu không có đội ngũ công tác viên thì Tạp chí không thể hoàn thành được nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Tạp chí cần có kế hoạch phù hợp để xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên mạnh về chất lượng, đông đảo về số lượng, am hiểu sâu các chuyên ngành của khoa học xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác phát hành. Đẩy mạnh công tác phát hành nhằm làm cho ấn phẩm của Tạp chí đến được với đông đảo bạn đọc; qua đó nhằm nâng cao hiệu quả đóng góp của Tạp chí cho xã hội và làm gia tăng nguồn thu để mở rộng hoạt động của Tạp chí. Để làm cho ấn phẩm của tạp chí đến được với đông đảo bạn đọc thì Tạp chí phải nâng cao chất lượng ấn phẩm của mình, phải làm cho các ấn phẩm đó hấp dẫn cả về hình thức và nội dung, đáp ứng được với nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc; đồng thời phải có kế hoạch phù hợp tạo lập sự gắn kết mật thiết giữa Tạp chí với bạn đọc trong nước và quốc tế.

4. Kết luận

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí luôn đảm bảo đúng định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước. Tạp chí có chất lượng khoa học nghiêm túc, ngày càng có uy tín với bạn đọc trong và ngoài nước. Đối với bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về khoa học xã hội; đặc biệt đối với bạn bè quốc tế mong muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa của dân tộc Việt Nam, thì Tạp chí là một địa chỉ đáng tin cậy. Đến nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam đã có vị trí quan trọng trong số các tạp chí nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển để ngày càng xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và là diễn đàn khoa học của giới nghiên cứu khoa học xã hội và hoạt động thực tiễn của đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ đã tin tưởng giao nhiệm vụ, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để Tạp chí trưởng thành được như ngày hôm nay; xin chân thành cảm ơn các cán bộ đã từng công tác tại Tạp chí qua các thời kỳ đã có công lao to lớn trong việc xây dựng Tạp chí; xin chân thành cảm ơn các tác giả, cộng tác viên, độc giả, các cơ quan hữu quan đã cộng tác, viết bài, biên tập, dịch thuật, giúp đỡ Tạp chí trong suốt 30
năm qua.