Biến động nguồn nước mùa lũ hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng của các hồ đập thượng lưu.

  • Tô Quang Toản, Trần Minh Tuấn, Phạm Khắc Thuần

Tóm tắt

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ảnh hưởng lũ hàng năm từ thượng nguồn sông Mê Công, với diện tích ngập lũ dao động từ 1 đến 2 triệu ha, mực nước lũ lớn nhất tại trạm đầu nguồn Tân Châu dao động trong khoảng 2,4-5,1 m. Lũ lớn (>4,5 m) thường gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, con người và tài sản. Bên cạnh các tác hại, lũ cũng đem lại nhiều lợi ích cho đồng bằng như bồi đắp phù sa, nguồn lợi thủy sản, cải tạo môi trường đất và nước, điều tiết nước mùa cạn, bổ sung nguồn nước dưới đất... Các vụ canh tác chính trên đồng bằng (đông xuân và hè thu) đều né tránh thời kỳ lũ cao để giảm thiệt hại và khai thác các lợi ích mà lũ đem lại. Nghiên cứu đã phân tích và chỉ ra các thay đổi lũ hàng năm trên đồng bằng theo các kịch bản phát triển thủy điện ở thượng lưu từ giả thiết trong thời gian tới có thể lặp lại chuỗi khí tượng-thủy văn tương tự như trong quá khứ từ năm 1924 đến 2014 và kiến nghị sự cần thiết chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trên đồng bằng để thích ứng với các thay đổi thủy văn dòng chảy. Từ khóa: chuyển đổi mùa vụ, diễn biến lũ, ĐBSCL, hồ đập thượng lưu, nguồn nước, sử dụng đất.Chỉ số phân loại: 1.7
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-12-04
Chuyên mục
Bài viết