KHẢO SÁT KHẢ NĂNG SINH TỔNG HỢP LIPASE TỪ CÁC CHỦNG NẤM MỐC PHÂN LẬP TRONG MÔI TRƯỜNG GIÀU LIPID

  • Đào Thị Mỹ Linh
  • Trần Thị Mỹ Thảo
  • Lý Thị Diễm Trang
  • Lê Thị Mỹ Trinh

Tóm tắt

Lipase có thể thu nhận từ nấm mốc do điều kiện nuôi cấy dễ kiểm soát và có thể sinh trưởng trong các môi trường bán rắn có chứa phụ phẩm như bã mía, lõi ngô, bánh dầu. Nghiên cứu nhằm tuyển chọn chủng nấm mốc tự nhiên có hoạt tính lipase cao được phân lập từ nguồn mẫu có chứa lipid và khảo sát điều kiện nuôi cấy trên môi trường bán rắn. Quá trình phân lập để thu nhận các chủng nấm mốc được thực hiện trên môi trường PGA (Potato glucose agar). Tuyển chọn cấp 1 được tiến hành trên môi trường M1 có 1% tween 80, qua đó đường kính vòng phân giải được xác định. Tuyển chọn cấp 2 được đánh giá dựa trên hoạt tính enzyme lipase và chủng mốc có khả năng sinh lipase cao nhất được định danh. Các yếu tố ảnh hưởng của môi trường nuôi cấy tới khả năng sinh tổng hợp lipase được khảo sát bao gồm thành phần phần trăm cơ chất bánh dầu:bã mía (100:0; 75:25; 25:75; 0:100), độ ẩm môi trường (40-70%), thời gian nuôi cấy (1-7 ngày). Kết quả đã thu được 27 chủng nấm mốc từ 6 nguồn mẫu phân lập khác nhau, tuyển chọn cấp 1 xác định được 6 chủng có vòng phân giải với đường kính 4,4-8,2 mm. Chủng mốc có hoạt tính cao nhất sau tuyển chọn cấp 2 được định danh là Aspergillus niger. Môi trường nuôi cấy với thành phần cơ chất 75% bánh dầu và 25% bã mía cho hoạt tính lipase  cao nhất (1,86 UI/mL) sau thời gian 4 ngày với độ ẩm  60%.

Từ khóa: Aspergillus niger, bánh dầu, bã mía, lipase, môi trường bán rắn, vòng phân giải. 
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-10-18
Chuyên mục
Bài viết