Tiếp cận chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV của phụ nữ mại dâm tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

  • Nguyễn Thị Thủy
  • Hồ Thị Hiền
  • Phạm Đức Mạnh

Tóm tắt

       Thông tin - giáo dục - truyền thông (TT-GD-TT); phát bao cao su (BCS) và chất bôi trơn miễn phí; tư vấn xét nghiệm HIV là các can thiệp chính trong chương trình can thiệp giảm tác hại (CTGTH) dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ mại dâm (PNMD) đang được triển khai tại thành phố Buôn Ma Thuột từ năm 2005. Bài viết này với mục tiêu mô tả thực trạng tiếp cận các CTGTH và một số yếu tố liên quan đến tiếp cận các can thiệp này của PNMD tại thành phố Buôn Ma Thuột. Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 132 PNMD tiếp cận được trong thời gian từ tháng 3-5/2014 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Kết quả: có 34,1% PNMD nhận được tài liệu truyền thông (TLTT) về HIV/AIDS; 53,8% nhận được BCS miễn phí, 74,2% biết nơi khám và điều trị các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs), có 62,9% biết nơi xét nghiệm HIV và 40% đã từng xét nghiệm HIV. Các yếu tố liên quan đến tiếp cận các can thiệp của PNMD bao gồm: thời gian hoạt động mại dâm, hình thức hoạt động (tự do hoặc có quản lý), nhận được TLTT, kiến thức về HIV cũng như tự đánh giá khả năng lây nhiễm HIV của bản thân. Khuyến nghị: tăng cường cung cấp TLTT về HIV/AIDS qua mô hình tiếp cận cộng đồng (TCCĐ) cho PNMD đặc biệt là người trẻ tuổi và được quản lý, tăng cường công tác truyền thông với các đối tượng là bạn tình của PNMD, người quản lý PNMD; tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình TCCĐ, bảo đảm tính sẵn có của dịch vụ CTGTH. Các can thiệp cần chú trọng tăng cường xét nghiệm HIV cho nhóm đối tượng này.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2017-06-09
Chuyên mục
NGHIÊN CỨU