Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của một số mẫu giống cói tại Nga Tân - Nga Sơn - Thanh Hóa

  • Ninh Thị Phíp

Abstract

Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của 6 mẫu giống cói: cổ khoang bông trắng dạng đứng, cổ khoang bông trắng dạng xiên, cói bông nâu, cói Nhật, Udu và Lác nhằm xác định những mẫu giống có tiềm năng sử dụng cao. Từ đặc điểm hình thái chính, các mẫu giống cói được chia thành 3 nhóm chính. Nhóm 1: Lác và Udu; Nhóm 2: Cổ khoang bông trắng dạng đứng, Cổ khoang bông trắng dạng xiên, Bông nâu; Nhóm 3: Cói Nhật. Cói cổ khoang bông trắng dạng đứng sinh trưởng, phát triển tốt và cho tỷ lệ sợi cói dài tương đối cao, năng suất đạt cao nhất (99,88 tạ/ha), hàm lượng xenlulose cao (42%). Cói cổ khoang bông trắng dạng xiên sinh trưởng mạnh, cho tỷ lệ sợi cói loại 1 cao nhất (38,46%), năng suất và chất lượng ở mức trung bình. Tuy nhiên, giống cói này có khả năng chống chịu sâu bệnh và chống  đổ kém, thích hợp cho sản xuất chiếu  để xuất khẩu. Cói Bông nâu sinh trưởng phát triển chậm, năng suất ở mức trung bình, không có cói loại 1 nhưng hàm lượng xenluloza cao nhất (45%) thích hợp với sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu. Cói Lác và Udu sinh trưởng phát triển chậm, độ dai thấp nhất, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, là nguồn vật liệu khởi đầu trong công tác chọn tạo giống. Cói Nhật có thân màu xanh nhạt, tiêm mọc đứng, đường kính thân nhỏ, không phải chẻ và là vật liệu phong phú phục vụ cho công tác chọn, tạo giống. 

điểm /   đánh giá
Published
2014-07-30
Section
Bài viết