Ảnh hưởng của thời vụ trồng đến ưu thế lai về các đặc tính nông sản sinh học của lúa lai F1 (Oryza satinal)

  • Phạm Văn Cường

Abstract

Thí nghiệm tiến hành đánh giá ảnh hưởng của hai thời vụ (trong vụ mùa và vụ xuân) đến ưu thế lai (ƯTL) của các tổ hợp lúa lai hai dòng. Bốn tổ hợp TH5-1 (P5s/R1), TH3-3 (T29s/R3), Việt lai 20 (103s/R20) và Bồi tạp Sơn thanh (Peiải 64s/Sơn thanh) và các dòng bố tương ứng R1, R3, R20, Sơn thanh được trồng ở trong thời vụ xuân sớm, xuân muộn, mùa sớm và mùa trung. Các chỉ tiêu theo dõi gồm số nhánh/khóm, chất khô tích lũy (DM), chỉ số diện tích lá (LAI), tốc độ tích lũy chất khô (PGR), năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất. Kết quả cho thấy, thời vụ khác nhau đã ảnh hưởng đến giá trị ưu thế lai thực (Hb) của các tổ hợp F1 ở các đặc tính nông sinh học qua các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Giá trị Hb biểu hiện cao nhất ở thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu về các chỉ tiêu như LAI, DM và PGR, trong khi đó các giá trị Hb này đều bị giảm ở thời kỳ lúa trổ và chín. Ở giai đoạn chín, ưu thế lai về tỷ lệ hạt chắc và khối lượng 1000 hạt đạt giá trị cao trong vụ mùa và ưu thế lai dương về số bông/khóm trong vụ xuân là cơ sở cho ưu thế lai dương về năng suất tích lũy và năng suất thực thu. Ưu thế lai về năng suất hạt của các tổ hợp lúa lai biểu hiện trong các vụ mùa sớm, mùa trung và xuân muộn, nhưng không biểu hiện ở vụ xuân sớm. Tuy nhiên, tất cả các tổ hợp lúa lai đều cho ưu thế lai về năng suất tích lũy do thời gian sinh trưởng ngắn, tốc độ sinh trưởng mạnh ở giai đoạn đầu và cao nhất trong vụ mùa trung. 
điểm /   đánh giá
Published
2014-07-30
Section
Bài viết